Bản sắc 本色
Chúng ta từng bàn qua về từ căn tính. Chúng ta hay nghe nói “căn tính dân tộc” và “bản sắc văn hóa”, vậy căn tính và bản sắc có phải là một không?
Bản sắc liên quan chặt chẽ với căn tính, nhưng không phải căn tính.
Bản sắc, Hán tự viết là 本色, nghĩa gốc là màu sắc vốn có. Ngày xưa, người ta lấy năm màu ứng với ngũ hành là xanh, vàng, đỏ, trắng, đen làm màu sắc chính, vì chưa qua quá trình nhuộm màu nên mới gọi bản sắc. Theo Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, NXB Hồng Đức) thì bản sắc là màu sắc, tính chất riêng tạo thành đặc điểm chính.
Trong đó, chữ bản (hay bổn) 本 có nghĩa là rễ cây. Nó gồm bộ mộc 木 chỉ cây và một nét nhất 一 đặt bên dưới, đại biểu cho phần bên dưới của cây là rễ. Chữ ngược lại với bản 本 là mạt 末, nghĩa là ngọn cây, cũng gồm bộ mộc chỉ cây giống vậy nhưng nét nhất đặt bên trên đại biểu cho phần phía trên cây là ngọn. Các từ thường gặp như bản thân, bản lĩnh bản tính, bản chất, căn bản, bản năng… đều dùng chữ bản 本 này.
Chữ sắc 色 có nghĩa là màu sắc, đây là nghĩa phái sinh. Nghĩa gốc của nó vốn là loại khí xuất phát từ bên trong rồi hiện lên khuôn mặt con người, thể hiện rõ nhất ở giữa hai chân mày. Về sau, chữ sắc 色 được mở rộng nghĩa thành màu sắc. Các từ thường gặp như cảnh sắc, nhan sắc, sắc thái, thần sắc, sắc tố… đều dùng chữ sắc 色 này.
Từ nghĩa màu sắc nguyên thủy, bản sắc 本色 mở rộng ra nét nghĩa những nét đặc thù, yếu tố đặc sắc làm nên diện mạo và giá trị riêng của cộng đồng, dân tộc.
Như vậy, nếu căn tính là “chiếc thẻ căn cước” để người khác biết mình là ai, vậy thì bản sắc chính là cách thể hiện cho thấy căn cước mình thế nào. Căn tính là gốc sâu rễ bền, bản sắc là hoa thơm trái ngọt. Ví dụ: Người Việt ta sống trọng tình nghĩa, coi trọng cội nguồn tổ tiên, vậy đó là căn tính. Nhưng khi căn tính ấy đi vào đời sống và thể hiện qua những thứ ta thấy như mâm cơm cúng giỗ, cách ăn mặc ứng xử, phong tục tập quán tín ngưỡng… thì chính là bản sắc. Đó cũng là lý do bản sắc luôn đi chung với văn hóa. Nền văn hóa nào cũng có cho mình bản sắc riêng.
Giữ gìn bản sắc, thật ra không phải để người khác khen mình đặc biệt mà là để tiếng nói của dân tộc mình không bị lẫn vào đám đông. Nhất là trong công việc sáng tạo, nơi ai cũng muốn sáng tạo cái gì đó “ra chất mình” nhưng lại bỏ quên mất những thứ vốn làm cho mình trở nên khác biệt. Vậy những thứ ấy là gì, làm thế nào để có thể ứng dụng? Mời bạn tham dự Talkshow: Mang bản sắc dân tộc vào thiết kế, tổ chức vào 14g00 ngày 13/6 (thứ Sáu) tại Trường Đại học Hoa Sen sắp tới.
___
Bài viết: Khánh Ly
Hình ảnh: Bản sắc, thủ bút của Thanh Đài nữ sĩ