Bệnh và tật, giống hay khác nhau?

Tự cổ chí kim, hai chữ Bệnh và Tật được luận và giải thích khác nhau qua từng thời kỳ, rồi ảnh hưởng lên tiếng Việt, lại chịu ảnh hưởng từ thói quen dùng từ của người Việt, nên có diện mạo và cách sử dụng như hiện tại. Bạn có bao giờ tự hỏi, […]

Tự cổ chí kim, hai chữ Bệnh và Tật được luận và giải thích khác nhau qua từng thời kỳ, rồi ảnh hưởng lên tiếng Việt, lại chịu ảnh hưởng từ thói quen dùng từ của người Việt, nên có diện mạo và cách sử dụng như hiện tại.

Bạn có bao giờ tự hỏi, Bệnh và Tật giống hay khác nhau? Giống thế nào và khác nhau ra sao chưa?

Chúng ta sẽ đi từ xưa tới nay nhé!

Bệnh, viết như thế này 病.
Tật, viết như thế này 疾.
Cả hai đều thuộc bộ Nạch 疒 giống như hình một người nằm trên giường vậy, nghĩa là bệnh tật nói chung.

Chữ Tật vốn chỉ bệnh tật tiềm ẩn trong cơ thể, không bộc lộ ra ngoài, không thấy rõ triệu chứng.
Còn Bệnh chính là trạng thái cơ thể yếu đuối, mệt mỏi, đau đớn.

Bệnh có thể chỉ sự mệt mỏi, đau đớn trên thân thể, cũng có thể chỉ những tổn thương mà tinh thần phải gánh chịu. Nguyên nhân gây ra những tổn thương, đau khổ này thì nhiều vô cùng. Xem lại cổ văn, có thể thấy một số nguyên nhân nổi trội thường gặp như là đói, bị thương, lở loét… và cuối cùng là vì có tật mà mắc bệnh.

Ví dụ như trong Luận ngữ có câu “Tử tật bệnh, Tử Lộ sử môn nhân vi thần.” Nghĩa là: Khổng Tử đổ bệnh, Tử Lộ sai môn nhân đến lo chuyện hậu sự.

Nghĩa của tật bệnh ở đây, là vì có tật bên trong nên đổ bệnh ra bên ngoài.

Theo Thuyết văn giải tự của Hứa Thận, thì bệnh tức là tật, mà nhiều hơn (Bệnh, tật gia dã). Ý rằng tật là những bệnh thông thường, còn bệnh là bệnh nặng. Tuy nhiên giải nghĩa như vậy, người đời sau cho rằng vẫn chưa đầy đủ. Vì như đã nói ở trên, nguyên nhân dẫn tới bệnh không hoàn toàn do tật, mà có thể do mệt mỏi cực độ, đói khát quá mức, lo lắng buồn bực mà nên. Huống chi, tật cũng có những chứng bệnh nặng. Do đó, các học giả hiện đại cho rằng, bệnh và tật không khác nhau về mức độ nặng nhẹ, mà mỗi chữ dùng riêng có phạm vi riêng. Tật là sinh bệnh, còn bệnh chỉ trạng thái cơ thể mệt mỏi, đau đớn do bệnh tật gây ra.

Thời Chiến Quốc, bệnh và tật trở thành hai từ đồng nghĩa, đều biểu thị bệnh tật. Cũng ở thời này, trình độ y học phát triển khá cao, hiểu biết của con người về các loại bệnh tật càng sâu sắc hơn, chữ tật với phạm vi nghĩa hẹp đã không còn bao hàm được hết các loại bệnh tật, nên dần dần bị bệnh thay thế. Bệnh trở thành cách gọi thông dụng của bệnh tật.

Trong tiếng Việt hiện hành thì sao?

Chữ bệnh được ghi nhận nghĩa đầu tiên là đau ốm, tình trạng sức khoẻ kém (Admin Dung mỗi quý bệnh một đợt, mỗi đợt bệnh ba tuần). Nghĩa thứ hai là chứng bệnh, như là bệnh truyền nhiễm, bệnh dịch, khám chữa bệnh. Bệnh cũng dùng để chỉ thói quen, nết xấu như là bệnh háo sắc…

Chữ tật được ghi nhận nghĩa đầu tiên là bệnh không chữa được làm cho thân thể khác thường, ví dụ, tiền mất tật mang, ác tật, tật cận thị, tật viễn thị… Những nghĩa còn lại là chứng bệnh (thuốc đắng dã tật), thói quen xấu (già sanh tật như đất sanh cỏ). Ngoài ra còn hai nét nghĩa không dùng đơn lẻ là ghen ghét (tật đố), mau chóng (tật tốc).

Nguồn:
Sử Kiến Vĩ, Diễn tiến văn hoá, NXB Văn hoá văn nghệ, 2019.
Từ điển Hán Việt Thiều Chửu.
Từ điển tiếng Việt Lê Văn Đức.


Admin bệnh rồi, mong các bạn tránh được bệnh tật và luôn khoẻ mạnh nghen. Theo Tổ chức Y tế thế giới, khoẻ mạnh không phải là không bệnh tật mà là tình trạng hoàn toàn thoải mái về thể chất, tinh thần và xã hội.

Hình: Tự hình của bộ Nạch, các bạn nhìn xem có giống người nằm trên giường không?


Bài viết do Tri thư đạt lễ – 知書達禮 biên soạn, vui lòng không sao chép và nếu chia sẻ lại, đừng quên để Nguồn nhé!