Cải lương có cần cải lương?

Cải lương là một từ gốc Hán 改良Trong đóCải 改 nghĩa là sửa, chữa, biến đổi, thay đổi, như là cải tạo: sửa đổiLương 良 nghĩa là tốt lành, hay, giỏi. Mình hay nói lương thiện đó, chính là chữ lương này.Như vậy, cải lương là một động từ, nghĩa là sửa đổi cho tốt […]

Cải lương là một từ gốc Hán 改良
Trong đó
Cải 改 nghĩa là sửa, chữa, biến đổi, thay đổi, như là cải tạo: sửa đổi
Lương 良 nghĩa là tốt lành, hay, giỏi. Mình hay nói lương thiện đó, chính là chữ lương này.
Như vậy, cải lương là một động từ, nghĩa là sửa đổi cho tốt đẹp hơn.

Đây còn là tên của một lối hát, một loại ca kịch bình dân của miền nam Việt Nam.

Vậy giữa nghĩa gốc của cải lương với tên của loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống này có liên quan gì với nhau không?

Câu trả lời chính là nó đó. Bộ môn cải lương chính là mang nghĩa sửa đổi cho tốt đẹp hơn. Từ động từ, bây giờ cải lương được hiểu như danh từ.

Ngược dòng thời gian, cải lương được cho là xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

Cải lương được cho là có nguồn gốc từ dân ca và nhã nhạc cung đình, dần dần được cải biên theo đờn ca tài tử và hình thành lối ca ra bộ – tiền thân của cải lương. Từ trước đó, các nhóm đờn ca được thành lập cốt để tiêu khiển, phục vụ tại các buổi lễ tư gia như tang, giỗ, cưới… Đến đầu thế kỷ 20, cải lương được đưa lên sân khấu nhân dịp toàn quyền Đông Dương cho phép mở gánh hát có bán vé và diễn ở các rạp hát lớn ở miền nam.

Tại sao lại có tên là cải lương, thì thế này.

Nhà văn Sơn Nam cho biết, năm 1917, Lương Khắc Ninh, sành về hát bội, có một bài diễn thuyết, đại ý: Người Nam ta xưa nay vẫn cho nghề hát là nghề hạ tiện, nên người có học thức thì không làm, nay muốn cải lương phải làm sao?

Đến năm 1920, cái tên cải lương xuất hiện lần đầu tiên trên bản hiệu gánh hát Tân Thinh với câu đối
Cải cách hát ca theo tiến bộ
Lương truyền tuồng tích sánh văn minh.

Từ năm 1920, cải lương phát triển rực rỡ, đến thập niên 1960 là thời kỳ hưng thịnh nhất.

Bây giờ, cải lương ít được dùng như một động từ, chỉ còn trong văn sách cổ. Cải lương được biết đến như một danh từ – chỉ bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống và đồng thời, cũng được dùng như một tính từ, mang sắc thái hơi chê một chút. Ví dụ:
– Nếu được chết ngay lúc này dưới chân em tôi cũng không ngần ngại.
– Thôi anh ạ, cải lương lắm!

Các bạn thấy, cải lương của dân tộc mình bây giờ, có cần cải lương không?

Ảnh: Vở cải lương kinh điển Tiếng trống Mê Linh (1977)

Soạn giả: Việt Dung, Vĩnh Điền
Nhân vật: Trưng Trắc, Trưng Nhị, Lê Chân, Thi Sách,…
Nghệ sĩ: Thanh Nga, Hà Mỹ Xuân, Thanh Sang, Hùng Minh, Bảo Quốc, Ngọc Nuôi…


Bài viết do Tri thư đạt lễ biên soạn, vui lòng không sao chép. Nếu chia sẻ lại, vui lòng ghi Nguồn.