Căn tính 根性

Căn tính có nghĩa là bản tính, bản chất. Căn tính ám chỉ sức mạnh tinh thần và ý chí mạnh mẽ, là những thói quen được hình thành bởi bản chất con người, quyết định đến suy nghĩ và hành vi của một người. Trong thuật ngữ Phật giáo, “căn” là gốc của khí lực, “tính” là thói quen hành thiện và ác. Con người có thể tạo nghiệp thiện ác, vì vậy gọi là “căn tính”, Hán tự là 根性.

Trong đó, căn 根 có nghĩa là phần thân cây mọc dưới đất, có chức năng cố định, hấp thụ hoặc dự trữ nước và chất dinh dưỡng. Ví như thành ngữ “lạc diệp quy căn”, nghĩa là lá rụng về cội hay thành ngữ “thâm căn cố đế” thường xuất hiện trong Đạo Đức Kinh, nghĩa là gốc sâu rễ bền.

Tính 性 có nghĩa là bản tính, bản năng, tính chất vốn có của tự nhiên và sự vật. Chẳng hạn ta hay nói thiên tính, bản tính, nhân tính,… Chúng đều là chữ tính này. Khổng Tử viết trong Luận Ngữ rằng “Tính tương cận dã, tập tương viễn dã”, tạm dịch là: Bản tính con người vốn gần nhau, nhưng vì tập quán mà xa nhau.

Suy theo nghĩa rộng, căn tính có thể hiểu là bản chất sâu xa của một con người hay một dân tộc, được hun đúc qua môi trường, lịch sử và quá trình phát triển văn hóa. Nó không chỉ dừng lại ở phạm vi cá nhân, bởi vì một dân tộc với căn tính vững vàng sẽ hình thành nên một nền văn hóa đậm đà bản sắc. Cho nên căn tính chính là hạt nhân cốt lõi để tạo nên cá tính riêng biệt và đặc biệt nhận dạng của cộng động người, mà người Việt cũng không ngoại lệ.

Bài viết: Khánh Ly
Hình ảnh: Căn tính, thủ bút của Thanh Đài nữ sĩ.