Cử án tề mi 舉案齊眉

Cử án tề mi 舉案齊眉 hay tề mi cử án là một thành ngữ gốc Hán, nguyên nghĩa chỉ khi một người vợ dâng cơm cho chồng, cô không dám nhìn lên mà phải nâng khay sao cho chúng cao ngang chân mày mình để thể hiện sự kính trọng với chồng. Sau này, cử án tề mi cũng được dùng để chỉ chung cho việc vợ chồng tôn trọng lẫn nhau. Đó là lý do mà trên cửa phòng nhà trai vào đêm tân hôn thường dán câu liễn này như một lời chúc phúc.

Thành ngữ xuất phát từ tác phẩm Hậu Hán thư – Lương Hồng truyện của Phạm Diệp nhà Tống ở thời Nam triều. Truyện kể rằng thời Đông Hán có một danh sĩ tên Lương Hồng, tự Bá Loan, quê ở Phù Phong (nay thuộc Thiểm Tây). Tuy nghèo khó nhưng ông vẫn giữ khí tiết thanh bạch, học rộng tài cao, không màng danh lợi. Cùng huyện có tiểu thư Mạnh Quang là con gái một gia đình Nho học giàu có, nổi tiếng đoan trang thùy mị. Hai người nên duyên vợ chồng. Trong đêm tân hôn, Mạnh Quang mặc một thân gấm vóc lộng lẫy để chiều lòng chồng, nhưng Lương Hồng lại không vừa ý, suốt bảy ngày không hề đoái hoài đến vợ. Mạnh tiểu thư hỏi lý do, Lương Hồng đáp rằng ông muốn một người vợ có thể cùng mình ẩn cư chứ không phải người thích son phấn lụa là. Mạnh tiểu thư bèn tháo hết trang sức, thay áo vải thô, đầu cài thoa gai ra ngoài dệt vải, thể hiện lòng giản dị và thành tâm với chồng. Sau khi kết hôn, Lương Hồng và Mạnh Quang lên núi Bá Lăng ẩn cư. Họ làm ruộng, dệt vải, đọc sách, viết văn và gảy đàn tiêu dao. Về sau, hai vợ chồng phải sống ẩn dật ở nhiều nơi để tránh bị triệu làm quan. Lương Hồng ngày ngày làm công giã gạo kiếm sống, Mạnh Quang ở nhà xe sợi dệt vải. Mỗi khi chồng về, cô luôn cung kính bưng cơm ngang mày dâng chồng, không dám nhìn lên, còn Lương Hồng cũng nghiêm cẩn đỡ mâm bằng hai tay. Hai người tương kính như tân, rất mực trân trọng nhau. Sau khi chồng mất, Mạnh Quang đưa con về quê ngoại sinh sống.

Cử 舉 có nghĩa là nâng lên, giơ lên. Chữ này xuất hiện sớm nhất trong văn tự thời Chiến Quốc, có thể còn hình thành từ thời kỳ trước đó. Chữ cử 舉 cổ được cấu tạo từ bộ thủ 手 và chữ dữ 與 cho âm đọc, về sau bộ thủ 手 được giản hóa, tạo thành dạng viết như bây giờ. Nghĩa gốc của chữ là giơ lên, nâng lên, nhấc lên, từ đó phát sinh các nghĩa mở rộng liên quan đến những hành vi mang tính khởi phát mà ta thường gặp trong các từ quen thuộc như cử động, cử hành, đề cử, tiến cử, cử chỉ,…

Án 案 có nghĩa là mâm gỗ hoặc khay gỗ ngày xưa, bên dưới có chân ngắn, dùng để đựng thức ăn. Trong Hậu Hán thư – Lương Hồng truyện cũng có viết “Mỗi quy, thê vi cụ thực, bất cảm ư Hồng tiền ngưỡng thị, cử án tề mi”, tạm dịch là: Mỗi lần quay về, vợ làm sẵn thức ăn, không dám ngẩng nhìn Lương Hồng, dâng mâm cơm ngang mày. Ngoài ra án 案 còn có nghĩa là bàn dài như trong từ án thư, cũng có nghĩa là hồ sơ văn kiện như trong từ đề án, bản án,…

Tề 齊 có nghĩa là ngang bằng, đều nhau. Chữ tề trong từ chỉnh tề mà ta thường dùng chính là chữ tề này. Mạnh Hạo Nhiên thời Đường cũng viết “Thiên biên thụ nhược tề, giang bạn châu như nguyệt”, tạm dịch là: Cây mọc ven trời như cỏ ngang đều nhau, gò cát ven sông cong như vầng trăng.

Mi 眉 có nghĩa là cặp lông mày. Những từ thường gặp như họa mi, sầu mi, nga mi hay những thành ngữ như mi thanh mục tú, mi hoa nhãn tiếu, bạch xỉ thanh mi,… đều là chữ mi này.

Từ hình ảnh nàng Mạnh Quang bưng mâm cơm dâng chồng ngang mày, thành ngữ “Cử án tề mi” vừa truyền tải nếp sống vợ chồng hòa thuận, tương kính như tân vừa để lại dấu ấn lâu dài trong văn học dân tộc. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du viết rằng:

“Vẻ chi một đóa yêu đào
Buồng hồng chi dám ngăn rào chim xanh
Ðã cho vào bậc bố kinh
Ðạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu.”

Bố kinh ấy có nghĩa là quần vải trâm gai, xuất phát từ thành ngữ bố quần kinh thoa 布裙荊釵, cũng chính là thành ngữ tương đương với cử án tề mi 舉案齊眉. Cả hai thành ngữ này đều chỉ nàng Mạnh Quang hiền lương thục đức và tình cảm vợ chồng.

Ngoài ra, từ điển cố gốc Hán này cũng đã dần sinh sôi thêm các “biến thể điển” thuần Việt như “Án họ Mạnh”, “Bưng mâm tày mày”, “Chữ mi tề”, “Mi tề”, “Tề mi”, hay “Thoi họ Mạnh ngang mày”,v.v.. Từ đó cho thấy khả năng sáng tạo và Việt hóa sâu sắc của văn chương dân tộc khi tiếp nhận tinh hoa điển tích Trung Hoa. Những biến thể ấy gìn giữ tinh thần cốt lõi của điển gốc, đồng thời làm phong phú thêm ngôn ngữ biểu đạt cảm xúc và tư tưởng trong thi ca, truyện Nôm nước nhà.
__
Bài viết: Khánh Ly
Hình ảnh: Cử án tề mi, thủ bút của Thanh Đài nữ sĩ