Cù lao 劬勞
“Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ngời ngời biển Đông
Núi cao biển rộng mênh mông
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi”
(Ca dao)
Trong kho tàng tiếng Việt, nhiều từ Hán Việt đã vượt khỏi khuôn khổ ngữ nghĩa ban đầu để trở thành biểu tượng văn hóa. Trong đó, “cù lao” (thường xuất hiện trong những lời răn dạy đạo hiếu) là một ví dụ điển hình. Không ít người ngày nay đã quen với cụm từ “chín chữ cù lao”, nhưng ít ai hiểu rõ cụm từ này bắt nguồn từ đâu, có ý nghĩa gì trong hệ thống tư tưởng Á Đông.
“Cù lao”, Hán tự là 劬勞, nghĩa là nhọc nhằn, lao lực. “Tầm nguyên từ điển” của Bửu Kế viết:
“Cù: siêng năng nhọc nhằn, lao: khó nhọc. Cha mẹ siêng năng khó nhọc để nuôi dưỡng con… Cha mẹ đối với ta có chín chữ cù lao tức chín đều khó nhọc: Sinh (sinh đẻ), Cúc (nâng đỡ), Phủ (vuốt ve), Xúc (cho bú), Trưởng (làm cho lớn), Dục (dạy dỗ), Cố (đoái tưởng đến), Phục (săn sóc dạy bảo), Phúc (bảo vệ).”
Ngoài ra có một vài từ điển khác có cách giải thích khác đi một ít, chẳng hạn như “phục (quấn quýt)”, “xúc (nuôi cho lớn)”… nhưng nhìn chung các sách đều cùng một cách giải thích chín chữ cù lao nghĩa là công ơn dưỡng dục của cha mẹ. Hai chữ “cù lao” này vốn xuất xứ từ Kinh Thi:
“Phụ hề sinh ngã,
Mẫu hề cúc ngã,
Ai ai phụ mẫu
Sinh ngã cù lao,
Dục báo thâm ân,
Hạo thiên võng cực.”
(Tạm dịch: Cha sinh ra ta, mẹ nuôi nấng ta, thương thay cha mẹ, sinh ta khó nhọc, muốn báo ơn sâu, như trời lồng lộng.)
Trong “Truyện Kiều”, tả tâm tư của Thúy Kiều lúc nàng phân vân giữa mối tình với Kim Trọng và quyết định hy sinh bán mình chuộc cha, đại thi hào Nguyễn Du có câu:
“Duyên hội ngộ, đức cù lao
Bên tình bên hiếu, bên nào nặng hơn?”
Hay như đoạn nàng Kiều ở lầu xanh nhớ tới cha mẹ, thương cha mẹ lo cho mình, còn mình thì biền biệt nơi đất khách:
“Nhớ ơn chín chữ cao sâu,
Một ngày một ngả bóng dâu tà tà.”
Không chỉ riêng trong văn học, “cửu tự cù lao” còn thường xuất hiện trong các bức hoành phi ở gian thờ hay được khắc trên mộ phần của cha mẹ:
鞠育恩深东海大
生成義重泰山膏
Cúc dục ân thâm Đông hải đại
Sinh thành nghĩa trọng Thái sơn cao
(Tạm dịch: Ơn dưỡng dục sâu tự biển Đông/ Nghĩa sinh thành cao hơn non Thái)
Như vậy, “Cù lao” 劬勞 không chỉ là một đơn vị từ vựng Hán Việt cổ, mà còn là biểu tượng ngôn ngữ cô đọng cho tư tưởng hiếu đạo Á Đông.
Ngoài ra, trong tiếng Việt còn có từ “cù lao” chỉ những gò đất nổi giữa sông, từ này vốn bắt nguồn từ tiếng Mã Lai là pulau (nghĩa là đảo) hay “cù lao” chỉ “cái lẩu, đồ đựng thức ăn có nước, giữa có ống đựng than lửa”… Lưu ý rằng đây chỉ là hiện tượng từ đồng âm trong tiếng Việt, không có sự liên quan về nguồn gốc hay ngữ nghĩa.
___
Bài viết: Mỹ Trinh
Hình ảnh: Cù lao, thủ bút của Thanh Đài nữ sĩ