Đồng 童
Đồng 童 có nghĩa là đứa trẻ, trẻ con. Mười lăm tuổi trở lại gọi là đồng tử 童子, mười lăm tuổi trở lên gọi là thành đồng 成童.
Những từ thường gặp trong tiếng Việt như đồng dao, mục đồng, nhi đồng, kim đồng, chử đồng tử, cải lão hoàn đồng,… đều dùng nghĩa của chữ Đồng này. Đồng gắn liền với Quốc tế Thiếu nhi, một ngày mà người ta luôn nghĩ đến những nụ cười xán lạn và tháng năm trẻ thơ hồn nhiên vô tư lự. Nhưng liệu chữ Đồng đó có thực sự đơn giản? Trong cấu tạo và lịch sử phát triển chữ, Đồng ẩn chứa rất nhiều nỗi niềm chưa từng được kể.
Chữ Đồng 童 bắt nguồn từ thời cổ đại, sớm nhất được tìm thấy trong các văn tự trên mai rùa thời Thương (khoảng 3000 năm trước). Trong hình thức ban đầu, Đồng là một chữ hội ý: Phần trên là ký tự 䇂, đại biểu cho dụng cụ sắc nhọn như đ.inh, d.a.o, phần dưới là hình người với đôi mắt 目, ám chỉ cảnh t.r.a t.ấ.n tù nhân bằng cách đ.â.m vào mắt. Đến thời Tây Chu, cấu trúc này thêm chữ Đông 東 ở dưới làm ký tự biểu âm.
Sách Thuyết Văn Giải Tự viết rằng “男有辠曰奴,奴曰童,女曰妾 Nam hữu tội viết nô, nô viết đồng, nữ viết thiếp”, tạm dịch là: Con trai có tội gọi là nô, nam nô gọi là đồng, nữ nô gọi là thiếp. Như vậy, chữ Đồng vốn không chỉ nghĩa trẻ con như hiện nay. Nó từng dùng để chỉ nô bộc nam, người có thân phận thấp kém và người có tội. Nô lệ bị xử tội nên không được để tóc như người thường. Họ bị tước đi quyền tự do làm người và bị khinh miệt.
Qua quá trình lịch sử, Đồng 童 dần giản lược phần chi tiết và mở rộng ý nghĩa tương quan. Nó bắt đầu được dùng để chỉ trẻ con. Sự chuyển nghĩa từ nô lệ sang trẻ con đến từ một đặc điểm: Cả nô lệ và trẻ con đều không có quyền lực và không được phép để tóc. Theo hệ thống lễ giáo, người chưa thành niên không được coi là con người hoàn thiện nên không được đội mũ, tóc phải cắt thật ngắn, thường là cạo trọc đầu. Vì vậy, chữ Đồng 童 từng chỉ cả hai đối tượng ấy phản ánh sự non yếu luôn gắn liền với thân phận thấp kém trong xã hội. Sau này để tránh nhầm lẫn hai nghĩa, người ta đã thêm bộ nhân 亻trước chữ Đồng 童, tạo ra chữ Đồng 僮 mới để chỉ riêng nô bộc, thường gặp trong các từ như thư đồng, gia đồng…
Để có được tên gọi nhi đồng như hôm nay, nhân loại đã đi qua một hành trình dài từ bóng tối đến ánh sáng. Có những đứa trẻ lớn lên giữa sách bút lời ru, nhưng có những đứa trẻ phải sống trong bóng tối, bạo lực và đói nghèo, thậm chí có những đứa trẻ non nớt sống trong chính thân xác của người lớn. Chúng câm lặng qua tháng năm, chưa từng được lắng nghe, bị tước đoạt ước mơ… Những đứa trẻ ấy khác nhau đến thế, cuối cùng cũng đều là một chữ Đồng này vậy.
Nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi, chúc cho tất cả các bạn nhỏ đều sống trong hạnh phúc, bình yên:
“Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”
___
Bài viết: Khánh Ly
Hình ảnh: Đồng, thủ bút của Thanh Đài nữ sĩ