Gió bụi, phong trần. Ảnh: Chữ viết tay của Chúc Thanh cư sĩ.
Ảnh: Chữ viết tay của Chúc Thanh cư sĩ.

Gió bụi

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
(Chinh phụ ngâm khúc diễn ca)

Gió bụi có ba nghĩa: Nghĩa đen là gió và bụi, bụi bay theo gió.
Nghĩa bóng được dùng để chỉ sự khổ sở mà người đời phải chịu, long đong vất vả: Cuộc đời gió bụi.
Gió bụi còn được dùng để chỉ tình hình loạn lạc không yên ổn, chính là nghĩa được dùng trong hai câu thơ Nôm phía trên.

Gió bụi được dịch từ chữ Hán là phong trần.
Nghĩa của từ phong trần cũng giống như gió bụi vậy, nhưng trong cách dùng bây giờ, còn có thêm nét nghĩa bình phẩm về ai đó.

Chúng ta ít nói “anh ta/cô ta trông có vẻ gió bụi” mà sẽ thường nói “anh ta/cô ta trông có vẻ phong trần”. Nói về đàn ông, từ phong trần có ý khen, một người từng trải, vượt nhiều gian lao khổ sở của cuộc đời. Nói về phụ nữ, từ phong trần có ý xót, một cô gái phải chịu nhiều vất vả trong cuộc sống, và dường như đã để cho vật chất làm hư thân.

Bắt phong trần, phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao
(Truyện Kiều)

Ảnh: Chữ viết tay của Chúc Thanh cư sĩ.

Bài viết do Tri Thư Đạt Lễ – 知書達禮 biên soạn, vui lòng không sao chép và đăng lại.