Hồng nhan

Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn mở đầu bằng hai câu:Thiên địa phong trầnHồng nhan đa truân Bà Đoàn Thị Điểm đã diễn Nôm bằng hai câu bảy chữ (song thất) như thế này:Thuở trời đất nổi cơn gió bụiKhách má hồng nhiều nỗi truân chuyên(Theo bản Nôm chép tay – Nguyễn Khuê) […]

Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn mở đầu bằng hai câu:
Thiên địa phong trần
Hồng nhan đa truân

Bà Đoàn Thị Điểm đã diễn Nôm bằng hai câu bảy chữ (song thất) như thế này:
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
(Theo bản Nôm chép tay – Nguyễn Khuê)

Trong Kiều cũng có câu:
Rằng hồng nhan tự thuở xưa
Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu

Hồng nhan, được dịch sang tiếng Việt là má hồng, má đào, với ý nghĩa chỉ người con gái đẹp, từ xưa đã gắn với truân chuyên, bạc mệnh.

Vì đâu nên nỗi?

Cụ Nguyễn Du đã lý giải rằng:
Lạ gì bỉ sắc tư phong
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen

À, là do bỉ sắc tư phong!

Bỉ sắc tư phong là gì? Đây là một thành ngữ gốc Hán ý rằng cái này dồi dào thì phải kém cỏi cái kia. Giống như bây giờ ta hay nói nôm na dễ hiểu hơn: được nọ mất kia.

Mà ngẫm từ xưa đến nay, trừ một số người hiếm hoi tốt số, phàm là con người ắt có những nỗi niềm và gian khổ riêng. Đã sống, ắt sẽ có thử thách gian lao, có nếm trải vui buồn ấm lạnh của đời.

Chỉ là, người bình thường thì sống thời lặng lẽ, chỉ có chuyện của hồng nhan mới được chép lại rồi truyền tai mà thôi.

Nay, người ta truyền tai nhau “hồng nhan bạc tỷ”. Là thời thế đổi thay rồi, nên buồn trước chuyện mọi thứ đều có thể định giá cao hay vui trước cảnh bất cứ ai cũng có thể làm chủ đời mình?

Câu trả lời không có đúng sai, nên nhường cho mỗi người tự đáp.

Ảnh: Chữ viết tay của Nguyễn M. Như

Bài viết do Tri thư đạt lễ 知書達禮 biên soạn, vui lòng không sao chép và đăng lại.