Hồng quân 洪鈞

Hồng quân 洪鈞 là từ dùng để chỉ trời đất, tạo hoá nói chung.

Chữ hồng 洪 có nghĩa là nước lũ. Trong từ điển Thiều Chửu và các từ điển khác, ta thấy chữ hồng cũng có nghĩa rộng lớn, bao la. Đây chính là nghĩa phái sinh từ nghĩa nước lũ ban đầu. Mạnh Tử dùng chữ hồng 洚 này giải thích cho chữ hồng 洪 này. Nhưng Hứa Thận (tác giả Thuyết Văn Giải Tự) lại dùng ngược lại. Đó gọi là chuyển chú, tức là hai chữ có nghĩa gần giống nhau và có thể dùng để giải thích lẫn nhau. Trong từ hồng quân, hồng được dùng với nghĩa to, lớn.

Chữ quân 鈞 nghĩa là bánh xe quay, bàn xoay bên dưới để làm đồ gốm sứ. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên hình dáng sản phẩm. Sách “Hán Thư” có chú rằng: “Đào gia danh mô hạ viên chuyển giả vi quân”, tạm dịch là: Nơi làm gốm gọi thứ hình tròn, quay được ở bên dưới khuôn là quân.

Như vậy, nghĩa đen của hồng quân là bàn xoay lớn, bánh xe quay khổng lồ. Từ đó ám chỉ tạo hóa, bầu trời rộng lớn, sự vận hành của vũ trụ và sức mạnh của tự nhiên. Hồng quân cũng có nghĩa tương đồng với đại quân 大鈞. Người xưa tin rằng vũ trụ có thể nuôi dưỡng và tạo ra mọi thứ. Cho nên trong “Văn Tuyển – Trương Hoa thi chi nhị” có câu: “Hồng quân đào vạn loại, đại khối bẩm quần sinh”, tạm dịch là: Trời nuôi dưỡng vạn vật, đất dung chứa muôn loài. Trong văn học cổ điển Trung Quốc, hồng quân – đại khối là cụm từ chỉ cho trời và đất.

Trong văn học cổ điển Việt Nam, hồng quân là một từ Hán Việt cũ, so với văn hóa Hán thì nó cũng được dùng với nghĩa trời đất, tạo hóa, thiên nhiên tương tự. Ví như:

“Thịt xương gửi đám Diêm phù,
Sinh sinh hóa hóa trong lò hồng quân.”
(Bích Câu kỳ ngộ)

Hay vua Tự Đức cũng có câu:

Ngạo tận tuyết sương hoàn tự tín,
Hồng quân phú dữ bất vi bần.
(Cô tùng)

Tạm dịch: Khinh sương tuyết tận lòng vẫn vững
Xanh cao tứ phúc há cơ hàn?

Một điểm cần chú ý nữa rằng, hồng quân mà ta đang bàn đến hoàn toàn không liên quan gì đến từ hồng quân 紅軍 cách mạng.

Trong Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du đã sử dụng từ hồng quân với ý nghĩa tạo hóa, vận mệnh tương tự trên, nhưng nhiều bản dịch sang tiếng Pháp đã dịch hồng quân thành Ciel rouge (trời đỏ) hay seigneur rouge (vua đỏ). Lê Văn Hòe trong cuốn Truyện Kiều chú giải (1953) cũng cho rằng cách dịch như thế là hoàn toàn không chính xác.


Bài viết: Khánh Ly
Hình ảnh: “Hồng quân” viết tay của Thanh Đài nữ sĩ.