Hồng quần 紅裙

Nhân khi đã bàn qua về đấng hồng quân, chúng tôi xin nói đến khách hồng quần. Nếu hồng quân là đấng ông trời, vậy thì khách hồng quần chỉ ai?

Hồng quần 紅裙 có nghĩa là chiếc váy màu đỏ. Đây là nghĩa phổ biến nhất của từ này, cũng xuất hiện khá nhiều trong văn chương cổ điển Trung Quốc. Chẳng hạn trong “Nhật xuất Đông Nam ngung hành”, vua Trần Thúc Bảo của triều Trần thời Nam – Bắc Triều đã viết: “Hồng quần kết vị giải, Lục Ỷ tự nan huy”, tạm dịch là: Bện váy đỏ chưa nới, đàn Lục Ỷ khó hay.

Tuy nhiên, ở một số ngữ cảnh nhất định trong văn chương, hồng quần còn được dùng để ví cho cô gái đẹp, giống như mỹ nhân hay giai nhân. Bởi vì thời cổ đại, váy đỏ không chỉ là trang phục phổ biến của phụ nữ quyền quý mà các cô gái bình dân cũng thích mặc váy đỏ. Cho nên nó được xem là hình ảnh biểu trưng cho giai nhân đương thời, cũng không đề cập nhiều đến tầng lớp hay xuất thân của họ.

Ví như Hàn Dũ viết rằng: “Bất giải văn tự ẩm, duy năng túy hồng quần”, tạm dịch là: Chẳng hiểu những thứ tao nhã như văn chương hay rượu nhạt, chỉ biết say mê nữ sắc. Lại như trong tiểu thuyết “Tam Quốc diễn nghĩa”, La Quán Trung viết: “Tư đồ diệu toán thác hồng quần, bất dụng can qua bất dụng binh”, tạm dịch là: Vương Doãn khéo bày mưu nhờ mỹ nhân (Điêu Thuyền), không cần dùng vũ khí hay binh lính.

Hồng quần còn được gọi là thạch lựu quần 石榴裙, nghĩa là váy lựu đỏ, bởi vì kiểu váy này có màu đỏ rực rỡ như màu hoa lựu. Thạch lựu quần có nguồn gốc từ thời Nam Bắc triều và đạt đến đỉnh cao vào thời nhà Đường. Cụm từ bái đảo tại thạch lựu quần hạ 拜倒在石榴裙下 (tạm dịch là: quỳ dưới váy lựu đỏ) cũng rất nổi tiếng, nó xuất phát từ câu chuyện Dương Quý Phi rất thích mặc váy lựu đỏ, Đường Huyền Tông vô cùng sủng ái bà, ông yêu cầu tất cả quan lại gặp bà đều phải quỳ xuống chào.

Trong văn học cổ điển Việt Nam, hồng quần cũng dùng để chỉ cho hình ảnh người phụ nữ, giống như câu “Hồng quần nhẹ bức chinh yên, đuổi ngay Tô Định dẹp tan biên thành” (Nam quốc sử diễn ca) hay “Phong lưu rất mực hồng quần, xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê” (Truyện Kiều).

Điều thú vị là dù Nguyễn Du đã sử dụng hàng loạt “mỹ từ” như hồng nhan, má đào, tố nga, giai nhân,… cho Thúy Kiều nhưng trong câu 2195, cụ lại cố tình đặt nàng với tên gọi “khách hồng quần” bên cạnh “đấng hồng quân”:

"Hồng quân với khách hồng quần
Đã xoay đến thế còn vần chưa tha."

Mặc dù Nguyễn Du cũng từng sử dụng nhiều từ khác để gọi ông trời như hóa công, con tạo, tạo hóa, trời già, hóa nhi,… nhưng việc sử dụng phép chơi chữ tài tình ấy đã khiến hai từ hồng quân – hồng quần vốn chỉ cách nhau thanh điệu, nay đã cách nhau cả biển trời: Đấng hồng quân mênh mông, rộng lớn, nuôi dưỡng vạn vật và quyết định mọi cuộc vận hành trong vũ trụ. Ngài là tạo hóa, ngài chi phối và gây nên bao nỗi truân chuyên cho khách hồng quần. Trong khi khách hồng quần nhỏ bé, đáng thương, dù cố vùng vẫy đến đâu cũng không thể thoát khỏi sự an bày của bánh răng vận mệnh.

Thế nhưng cũng trong chính Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng nói “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”. Quả vậy, đọc lại những câu chuyện xưa, ta thấy thật nhiều tài nữ đã xoay chuyển càn khôn, đổi thay vận mệnh bằng chính tài năng, bản lĩnh và quan trọng nhất là đức hạnh của mình.

Nếu bạn muốn nghe kể lại, hãy ghé Trà đàm: Hồng quân với khách hồng quần cùng chúng tôi. Nhắn tin cho Rót chén thanh chân để đăng ký nhé!


Bài viết: Khánh Ly
Hình ảnh: Hồng quần, thủ bút của Thanh Đài nữ sĩ