Kẻ phản diện là ai?

Câu chuyện của Pixar luôn hấp dẫn (trừ vài phim lệch nhịp).
Để duy trì phong độ vững chắc như vậy, thứ không thể thiếu trong quá trình sáng tạo là nắm vững kiến thức về cấu tạo câu chuyện. Và một kiến thức mà mọi biên kịch lẫn tác giả đều nên nắm vững, đó là nguyên lý xây dựng phản diện.

Clive Barker có nói, “A story is only as good as its villain.” (Câu chuyện chỉ hay khi có phản diện hay.) Trong INSIDE OUT 1 và 2, nguyên lý này được sử dụng rất nhuần nhuyễn.

Định nghĩa phản diện rõ ràng

Phản diện không phải là một nhân vật hay một đám quái vật ác độc muốn hủy diệt thế giới, hãm hại nhân vật chính. Phản diện, theo công năng trong câu chuyện, là bất kỳ ai hay bất kỳ thứ gì đóng vai cản trở nhân vật đạt được mục tiêu của mình và trưởng thành.

5 cảm xúc trong phim Inside Out. Nguồn: Internet
Korem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Nguồn: Internet

Ở phần 1: Mục tiêu của câu chuyện là Riley được trưởng thành cảm xúc, thông qua việc cảm thụ nỗi buồn. Người ngăn cản việc đó lại chính là Joy, cho rằng Riley không cần đến nỗi buồn. Vậy, về chức năng trong câu chuyện, Joy vừa là chính diện, mà cũng vừa là phản diện. Chính suy nghĩ chối bỏ nỗi buồn cực lớn của Joy ngăn cản cô nhận ra cốt lõi vấn đề, cho nên Joy cũng chính là phản diện của đời mình.

Thậm chí có thể nói, mọi nhân vật trong câu chuyện đều sẽ sắm vai phản diện của chính mình. Điều này đúng bởi vì trong hành trình tốt lên của nhân vật, thứ đầu tiên cản đường họ chính là lối sống lầm lạc của bản thân. Chỉ khi nào họ chữa được lối sống và suy nghĩ lầm lạc đó, cánh cửa để thay đổi mới mở ra. Hãy thử xem lại INSIDE OUT 1 với cách hiểu: Joy là một kẻ cố chấp bấu víu vào tích cực đến độc hại, như vậy sẽ dễ dàng thấy được màu sắc phản diện khó ưa trong từng hành động của cô.

“A story is only as good as its villain.”

– Clive Barker

Ở phần 2: Mục tiêu của câu chuyện là Riley được trưởng thành nhân cách, với một cái tôi lành mạnh. Người ngăn cản việc đó lại cũng chính là Joy, cô loại bỏ mọi trải nghiệm tiêu cực có thể tạo ra suy nghĩ sai lệch, không cho phép Riley có cơ hội học hỏi từ đó. Đến cuối phim, Joy nhận ra mình sai và sửa chữa bằng cách đổ cả núi ký ức tiêu cực vào hồ Niềm tin, và để cho cái tôi của Riley tự hình thành, thay vì uốn nắn nó như trước. Lần nữa, Joy sắm vai phản diện. Nhưng phần 2 này lại có điểm khác ở chỗ Anxiety. Anxiety là nhân vật tống khứ và ngăn cản nhóm của Joy quay về trung tâm điều khiển, cũng vô thức phá hoại nhân cách của Riley, đẩy cái tôi của cô bé thành ích kỷ. Vậy Anxiety cũng đóng vai phản diện, và là phản diện chính, vì vai trò của cô rõ ràng hơn Joy rất nhiều.

Khi đã thấy rõ ràng được ai đóng vai phản diện trong câu chuyện, ta mới có thể đi đến các bước tiếp theo là xây dựng phản diện dựa trên các nguyên lý như: Tương phản với chính diện, sức mạnh của phản diện… Và các kỹ thuật khác để hoàn thiện ý tưởng của mình thành câu chuyện hoàn chỉnh.