Khí huyết 氣血
“Khí huyết” hán tự là 氣血, hiểu đơn giản là hơi và máu. “Khí huyết” là một thuật ngữ thường dùng trong y học cổ truyền (Đông y).
Theo Đông y, đây là hai yếu cơ bản trong cơ thể, giữ vị trí rất quan trọng trong hoạt động sống của con người. “Hoàng đế nội kinh tố vấn” thiên “Điều kinh luận” viết: “人之所有者,血與氣耳” Nhân chi sở hữu giả, huyết dữ khí nhĩ (Tạm dịch: Cái mà con người có chỉ có huyết và khí vậy). Có thể thấy, khí huyết là nền tảng của sức khỏe theo quan điểm Đông y. Việc hiểu rõ khí huyết là gì và duy trì sự cân bằng của chúng có vai trò quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của con người.
“Khí” 氣 được xem là một dạng năng lượng vô hình, lưu thông khắp cơ thể, là động lực cho mọi hoạt động sống. Khí là một dạng năng lượng sinh mệnh, là cơ sở cho sự vận động và biến hóa của vạn vật. Khí chuyển động liên tục, thúc đẩy và điều chỉnh quá trình trao đổi chất và duy trì quá trình sống của cơ thể con người. Khái niệm khí trong y học cổ truyền bắt nguồn từ quan sát hiện tượng sống của con người của người xưa. Thông qua quan sát một số hiện tượng như khí ra vào khi hít thở, hơi nóng bốc ra cùng với mồ hôi khi hoạt động, người xưa đã phát triển một sự hiểu biết đơn giản và trực quan về khí.
“Huyết” 血 là chất lỏng màu đỏ lưu thông trong mạch máu, được thúc đẩy bởi sự hoạt động của khí, huyết là dạng vật chất quan trọng có vai trò duy trì các hoạt động sống bên trong cơ thể, có chức năng nuôi dưỡng và tưới ẩm cơ thể, đảm bảo cho các cơ quan hoạt động bình thường. Huyết tuần hoàn đi khắp cơ thể, từ lông, da, thịt, xương, phủ tạng đều cần phải có huyết nuôi dưỡng. Vì vậy, khi huyết mạch điều hòa, tuần hoàn thuận lợi thì cơ thể mới có thể khỏe mạnh và hoạt động bình thường.
Về mối quan hệ của “khí” và “huyết”, trong cuốn “Y hải cầu nguyên” (Tìm hiểu nguồn gốc sâu rộng của y học), Hải Thượng Lãn Ông, người được xem là ông tổ của ngành y học cổ truyền Việt Nam, đã viết: “Khí làm hướng đạo cho huyết, huyết làm chỗ dựa cho khí. Khí thuộc dương, chủ về động mà lưu hành, huyết thuộc âm chủ về tĩnh mà phụ thuộc… cho nên khí hành thì huyết theo, âm là cơ sở của dương.” Khí và huyết có mối quan hệ tương hỗ và thúc đẩy lẫn nhau: Khí tham gia vào quá trình tạo máu và chuyển hóa thức ăn thành huyết, điều khiển sự lưu thông của huyết trong mạch máu; huyết nuôi dưỡng khí, cung cấp nguồn vật chất cần thiết cho khí.
Khi khí huyết cân bằng, con người sẽ khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn. Ngược lại, sự mất cân bằng khí huyết là nguồn gốc của nhiều bệnh tật trong cơ thể. Hải Thượng Lãn Ông viết: “Sông ngòi của trời đất, cũng như mạch lạc của con người; nguồn suối đầy thì lưu thông, khí huyết đầy thì truyền đi khắp, làm gì có ứ trệ”.
Như vậy, khí huyết là hai yếu tố cơ bản của cơ thể con người theo quan điểm Đông y. Khí là dạng năng lượng vô hình, là động lực của mọi hoạt động sống. Huyết là chất dinh dưỡng hữu hình, nuôi dưỡng và tưới ẩm cơ thể. Trong thời đại hiện nay, khi áp lực cuộc sống gia tăng và môi trường sống ngày càng ô nhiễm, việc chăm sóc và bồi bổ khí huyết bằng các bài thuốc Đông y đang dần được chú trọng. Lí thuyết khí huyết tuy bắt nguồn từ hàng nghìn năm trước nhưng vẫn giữ nguyên giá trị trong cuộc sống hiện đại, đây là một minh chứng cho sự tinh túy và trường tồn của nền y học cổ truyền.
___
Bài viết: Mỹ Trinh
Hình ảnh: Khí huyết, thủ bút của Thanh Đài nữ sĩ