Kim ốc tàng Kiều 金屋藏嬌
Kim ốc tàng Kiều 金屋藏嬌 là một thành ngữ gốc Hán, nghĩa là cung điện vàng son xây cho người đẹp ở. Ban đầu, thành ngữ này chỉ việc Hán Vũ Đế yêu thích Trần A Kiều, từng hứa với cô ruột của mình là Quán Đào (một công chúa nổi tiếng của nhà Tây Hán, húy Lưu Phiêu, con gái của Hán Văn Đế và Đậu Thái hậu) là sau này sẽ xây một “nhà vàng” cho A Kiều ở. Về sau, nó trở thành cách nói ẩn dụ cho việc cưới vợ hay nạp thiếp.
Thành ngữ này xuất phát từ tiểu thuyết Hán Vũ cố sự của Ban Cố thời Đông Hán. Trong đó có viết: “Lúc mấy tuổi, Quán Đào bế Lưu Triệt (Hán Vũ Đế) lên và hỏi rằng: “Con có muốn lấy vợ không?” Lưu Triệt đáp: “Muốn.” Quán Đào lần lượt chỉ vào hơn trăm thiếu nữ xinh đẹp bên cạnh mình, Lưu Triệt đều nói không muốn. Cuối cùng bà chỉ vào con gái mình và hỏi: “A Kiều có đẹp không?” Lưu Triệt liền cười đáp: “Đẹp! Nếu được lấy A Kiều làm vợ, con sẽ xây một ngôi nhà vàng để nàng ở.’” Sau này khi làm vua, Hán Vũ Đế đã lấy Trần A Kiều và phong bà làm hoàng hậu. Tuy nhiên, cái kết của chuyện tình này không hề đẹp như mơ. Khi trở thành hoàng hậu, Trần A Kiều vô cùng đố kỵ với các phi tần được Hán Vũ Đế sủng ái. Bà không từ mọi thủ đoạn độc ác để hãm hại họ, thậm chí dùng cả tà thuật nguyền rủa. Cuối cùng Trần A Kiều bị phế truất ngôi vị hoàng hậu và bị giam ở Trường Môn Quan vào năm Nguyên Quang thứ 5 (130 TCN), hơn mười năm sau thì bà qua đời.
Đây chính là nguồn gốc điển cố “Kim ốc tàng Kiều” và cũng là lý do cái tên “A Kiều” gắn với Trần hoàng hậu – vị hoàng hậu đầu tiên của Hán Vũ Đế. Thực chất, cả điển cố và cách gọi này đều không thấy ghi chép trong chính sử. Hán Vũ cố sự là một tác phẩm dã sử, truyền kỳ, có nhiều tranh cãi về niên đại và tác giả, nhưng không thể hoàn toàn phủ nhận giá trị lịch sử của nó.
Kim 金 có nghĩa là kim loại bằng vàng, cũng chỉ cho những thứ trân quý. Ốc 屋 là căn phòng, nhà ở. Theo nghĩa đen, kim ốc là căn nhà dát vàng, từ đó chỉ cho căn nhà tráng lệ và những tòa kiến trúc xa hoa, mang tính thẩm mỹ và tính biểu tượng giống như cung điện, biệt phủ,… Trong các tác phẩm văn học Trung Quốc, kim ốc khắc họa khung cảnh xa hoa hoặc thể hiện khát vọng hướng đến cái đẹp và sự hoàn mỹ. Ví như trong Trường Hận Ca, Bạch Cư Dị viết rằng “Kim ốc trang thành kiều thị dạ, ngọc lâu yến bãi túy hòa xuân”, dịch thơ là: Nhà vàng đúc, đêm thanh ôm ấp. Lầu ngọc cao, say ắp màu xuân (bản dịch thơ Tản Đà). Hay trong Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều có câu “Tay tạo hóa cớ sao mà độc. Buộc người vào kim ốc mà chơi!”
Tàng 藏 có nghĩa là chất chứa, cất giữ. Ta thường nghe tàng đầu lộ vĩ, nghĩa là giấu đầu lòi đuôi hay những từ như tiềm tàng, bảo tàng, tàng trữ,… đều dùng chữ tàng này. Ngoài ra, nó còn có một âm đọc khác là “tạng”, âm đọc này được sử dụng trong dịch thuật kinh Phật.
Kiều 嬌 có nghĩa là mềm mại thướt tha, xinh đẹp uyển chuyển, từ đó chỉ cho những cô gái đẹp. Các từ như kiều diễm, yêu kiều, kiều mị, kiều nữ,… đều dùng chữ kiều này. Trong Truyện Kiều cũng có câu “Chàng Vương quen mặt ra chào, hai kiều e lệ nép vào dưới hoa.” Hai kiều ở đây chính là hai chị em Đại Kiều và Tiểu Kiều – hai mỹ nhân thời Tam Quốc, được người đời gọi là Giang Đông Nhị Kiều. Nguyễn Du đã khéo dùng tích này ví cho đôi chị em Thúy Kiều, Thúy Vân.
Kim ốc tàng Kiều không chỉ là lời hứa của Hán Vũ Đế với người đẹp A Kiều mà còn là biểu tượng cho những ước mơ xa hoa và khát vọng tình yêu của người xưa. Nhưng kim ốc dù có dát vàng thì vẫn chỉ là lớp vỏ bên ngoài, trong khi tình yêu chân thành lại không phải lúc nào cũng tìm thấy nơi đó. Như pháo hoa chóng tàn, như giấc mộng chóng tan, con người luôn vươn tới cái đẹp nhưng không phải lúc nào cũng giữ được trọn vẹn.
__
Bài viết: Khánh Ly
Hình ảnh: Kim ốc tàng Kiều, thủ bút của Thanh Đài nữ sĩ