Lang bạt kỳ hồ
Lang bạt, hay lang bạt kỳ hồ được ghi nhận trong tiếng Việt với nghĩa sống rày đây mai đó, trôi giạt khắp nơi. Tuy nhiên, nghĩa gốc của từ/cụm từ này hoàn toàn mang một nghĩa khác.
Trách thân lang bạt kỳ hồ
Buồm xiêu vì gió, trăng mờ vì mây
(Ca dao)
Lang bạt, hay lang bạt kỳ hồ được ghi nhận trong tiếng Việt với nghĩa sống rày đây mai đó, trôi giạt khắp nơi.
Tuy nhiên, nghĩa gốc của từ/cụm từ này hoàn toàn mang một nghĩa khác.
Trong Kinh Thi, có bài Lang bạt 1 như sau:
Lang bạt kỳ hồ,
Tái trí kỳ vĩ.
Công tốn thạc phu
Xích tích kỷ kỷ.
Dịch nghĩa
Chó sói bước tới thì đạp nhằm miếng da thòng ở cổ.
Thoái lui thì đạp nhằm cái đuôi.
Chu công từ tốn nhưng vinh quang to tát và đẹp đẽ.
Ngài mang đôi giày đỏ một cách rất tự nhiên trang trọng.
Chu Hi giải nghĩa như thế này:
Chó sói bước tới thì đạp nhằm miếng da thòng ở cổ, thối lui thì đạp nhằm cái đuôi (ý nói tiến thoái đều khó khăn). Còn Chu công gặp phải biến cố vì lời phao truyền phỉ báng, mà cách ăn ở đi đứng vẫn an nhiên tự đắc như thế, bởi vì với đạo cao đức cả ngài vẫn được yên vui, đức hạnh ấy không thể nào nói xiết được. Cho nên tuy gặp đại biến, ngài vẫn không mất độ thường.
Như vậy, lang bạt kỳ hồ ở đây để chỉ tình thế của con sói (lang), dẫm (bạt) lên cái yếm của nó (kỳ hồ), đang rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, lúng túng không biết phải làm sao.
Theo học giả An Chi, có lẽ vì không biết xuất xứ, người Việt ta đã liên tưởng đến nghĩa của cụm từ này dựa theo âm Nôm. Lang trong lang thang, bạt trong phiêu bạt, hồ trong giang hồ… nên lang bạt kỳ hồ trở thành người đi đó đây khắp giang hồ, rồi thành nghĩa như đã nói ở đầu bài viết.
Đây là một hiện tượng Việt hoá thành ngữ gốc Hán rất thú vị, nó đặt ra chủ đề đáng để tranh luận: ta nên dùng theo nghĩa gốc, hay dùng theo nghĩa hiện hành (tức là nghĩa đã chuyển đổi theo cách hiểu, cách dùng của người Việt)?
Theo chúng tôi, những từ, cụm từ đã chuyển nghĩa, ta nên sử dụng nghĩa hiện hành cho thống nhất. Tuy nhiên, vẫn nên tìm về gốc để nhận ra nguồn cơn của sự biến đổi, thấy được tiến trình Việt hoá ngôn ngữ để từ đó tránh những chuyện “lộng giả thành chân” như thế nữa. Hiểu nghĩa gốc cũng giúp chúng ta đọc những văn bản xưa của cha ông dễ dàng hơn, tránh hiểu sai hiểu nhầm ý.
Lưu ý thêm rằng, những người dùng cụm từ với nghĩa gốc rất đáng được ghi nhận rằng có kiến văn rộng, nhưng chúng ta cũng bớt khắt khe với những ai chỉ biết nghĩa hiện tại mà thôi. Đứt gãy văn hoá không phải lỗi của người sinh sau.

—
Ảnh: Nhân Tài Trương
Bài viết được Tri thư đạt lễ 知書達禮 biên soạn, vui lòng không sao chép và đăng lại.