“Con dù lớn vẫn là con của mẹ,
Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con.”
(Con cò - Chế Lan Viên)

Lúc chưa biết gì về thế giới, người đầu tiên ta gọi là mẹ. Đến lúc tưởng như đã hiểu hết về đời, tiếng mẹ vẫn là lời còn đó, đôi khi cả đời người cũng chưa thể học xong.

Tiếng “mẹ” bật ra từ môi như một phản xạ, là tiếng gọi phổ thông nhất nằm giữa rất nhiều những tiếng gọi khác trong tiếng Việt như má, u, bu, bầm, mệ, mế, mụ, mạ… Nhóm phụ âm môi (b-ph-v-m) là thứ âm thanh trẻ con dễ bắt chước nhất khi học nói. Vì vậy những từ để gọi người thân như mẹ, bà, ba, bố… đều khởi đầu bằng những âm này.

Mẹ, chữ Nôm được ghi là 媄. Cấu tạo của chữ gồm có hai phần: Bên trái là bộ nữ 女 và bên phải là chữ mỹ 美. Nhiều người cho rằng từ hai bộ phận ấy nên mẹ 媄 mang nghĩa “người phụ nữ đẹp” giống như kiểu chữ hội ý trong tiếng Hán. Nhưng thực ra mẹ 媄 là một chữ Nôm thuộc nhóm chữ Nôm sáng tạo của người Việt, thông qua việc kết hợp giữa thành tố biểu âm và biểu ý. Nghĩa là trong chữ mẹ 媄, nữ 女 là bộ thủ biểu ý chỉ chung cho người nữ, còn mỹ 美 là thành tố biểu âm, cho âm đọc Nôm là mẹ.

Theo nguyên tắc chỉnh vần của chữ Nôm mà thực tế là chỉnh nguyên âm, ta có nguyên tắc: Nguyên âm dòng nào thì chỉnh theo nguyên âm dòng ấy. Chữ mẹ 媄 được chỉnh theo nguyên tắc nguyên âm dòng trước là i, iê (ia), ê, e. Cụ thể ở đây là chỉnh từ i → e, từ mỹ → mẹ.

Mẹ song hành với những từ trang trọng hơn, được dùng trong cách gia đình Nho gia như mẫu thân hoặc từ mẫu, gắn liền với văn hóa Hán học. Song giữa những tầng lớp từ vựng đó thì mẹ vẫn là tiếng gọi được giữ lại ở nhiều địa phương nhất. Đó là tiếng đầu đời mà một đứa trẻ học nói, cũng là tiếng cuối đời con người ta còn gọi. Mẹ là cái tên không cần thêm mỹ từ nào đi kèm cũng đã đẹp tự thân.

Chữ mẹ 媄 xuất hiện trong nhiều văn bản Nôm, chẳng hạn như trong Truyện Kiều, Nguyễn Du viết:

油欺𦲿𧺀紙紅,
𢧚庄時拱在𢚸媄吒
Dù khi lá thắm chỉ hồng,
Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha. (330)

Hay

虎生𫥨分䜹桃,
功吒𱻊媄刧芇者双
Hổ sinh ra phận thơ đào,
Công cha nghĩa mẹ kiếp nào trả xong? (875)

Ngoài văn chương bác học, tiếng mẹ còn hiện diện rất nhiều trong lời ăn tiếng nói dân gian, cụ thể qua những câu ca dao mộc mạc thẳm sâu và những hình ảnh quen thuộc không khi nào là cũ:

“Chiều chiều ra đứng ngõ sau,
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.”

___
Bài viết: Khánh Ly
Hình ảnh: Chữ Mẹ, thủ bút của Thanh Đài nữ sĩ