Nam Kha nhất mộng 南柯一夢
Nam Kha nhất mộng 南柯一夢 hay còn gọi là “giấc mộng hoa hè” là một thành ngữ gốc Hán, có nghĩa giấc mộng phù hoa chỉ là hư ảo. Nó nhấn mạnh sự vô thường của cuộc đời, rằng một đời người sẽ liên tục biến đổi, hư vinh được mất bao nhiêu cũng chỉ là thứ dễ đến dễ đi, thường mang theo ngữ khí cảm thán.
Nam Kha nhất mộng xuất phát từ “Nam Kha Thái Thú truyện” của Lý Công Tá. Tương truyền, đời Đường có một học trò tên là Thuần Vu Phần, tính cách phóng khoáng, thích uống rượu. Ngoài tường phía nam nhà anh ta có một cây hoè cổ cành lá xum xuê. Một ngày nọ, Thuần Vu Phần cùng bạn bè uống rượu dưới gốc cây, uống đến mức say khướt. Trong cơn mơ màng, Thuần Vu Phần thấy hai sứ giả mặc áo tím bước vào, mời anh ta đến nước Hoè An. Quốc vương và anh ta trò chuyện, ông tỏ ra tán thưởng tài năng của Thuần Vu Phần, chẳng bao lâu phong anh ta làm “thái thú Nam Kha” và gả công chúa cho Thuần Vu Phần. Thế là anh ta trở thành người quyền cao chức trọng, được nhân dân và quốc vương tín nhiệm trong ba mươi năm đầu. Không ngờ nước Đàn La đột nhiên tấn công, quốc vương lệnh cho Thuần Vu Phần mang quân xuất chinh, nhưng vì không giỏi việc binh đao nên nước Hòe An bị đánh bại thảm hại. Khi trở về, anh ta hay tin vợ mình đã qua đời, quốc vương cũng không còn tin tưởng anh ta nữa. Cuối cùng Thuần Vu Phần bị cách chức và bị trục xuất về quê hương. Hai sứ giả từng đưa Thuần Vu Phần đến nước Hòe An đưa anh ta trở về. Chợt tỉnh giấc, Thuần Vu Phần mới biết đó là một giấc mộng. Mặt trời vẫn chưa lặn, rượu trên bàn vẫn còn. Anh ta vội đào thử một cái hang dưới gốc hòe thì phát hiện trong đó có một ổ kiến lớn, những gò đất bên trong cũng giống với cung điện thành quách, ngoài cung có một lối nhỏ thông lên cành cây phía nam, hẳn đó là nơi anh ta từng làm thái thú Nam Kha. Thuần Vu Phần thở dài than rằng: “Vinh hoa phú quý ba mươi năm, hóa ra chỉ là một giấc mộng Nam Kha.” Cuối cùng Thuần Vu Thần giác ngộ, quy ẩn cửa đạo.
Bên cạnh đó, có một thành ngữ khác cũng mang ý giấc mơ đẹp nhưng khó thành hiện thực giống với Nam Kha nhất mộng, đó là 黄粱美夢 Hoàng lương mỹ mộng, hay còn gọi là “giấc mộng kê vàng”. Cả hai thành ngữ này đều thường xuyên xuất hiện trong văn học cổ điển nên hay được xem là hai thành ngữ đồng nghĩa. Tuy nhiên, hai thành ngữ này lại không hoàn toàn giống nhau.
Cụ thể, hoàng lương mỹ mộng 黄粱美夢 (hay hoàng lương nhất mộng) được dùng để ví cho giấc mộng đẹp hay dục vọng viển vông, không thể thành hiện thực. Thông thường, nó kết hợp với cấu trúc câu phủ định để nhấn mạnh sự tan biến của giấc mộng hão huyền, những tham vọng xa vời, ảo tưởng không thực tế.
Hoàng lương mỹ mộng xuất phát từ “Chẩm trung ký” của Trầm Ký Tế thời Đường. Chuyện kể về nho sinh tên Lư Sinh dừng chân tại một quán trọ trên đường đi qua Hàm Đan. Một lão đạo sĩ cũng ghé vào nghỉ chân. Trong lúc cả hai nói chuyện, Lư Sinh than thở về cuộc sống nghèo khó của mình. Lữ Ông bèn lấy một cái gối từ trong hành lý của mình ra đưa cho anh ta, nói rằng: “Chỉ cần cậu gối đầu ngủ trên cái gối này, cậu sẽ có được vinh hoa phú quý. Lúc này, chủ quán trọ đang nấu kê vàng (một loại gạo kê màu vàng). Lư Sinh ngủ thiếp đi và mơ thấy cả một cuộc đời huy hoàng: Cưới được tiểu thư cao quý của Thôi phủ, đỗ tiến sĩ, dần thăng quan tiến chức từ Tiết độ sứ, Ngự sử Đại phu đến chức Tể tướng, 5 người con đều làm quan lớn, mười mấy cháu trai thông minh xuất chúng, con cháu đầy đàn, sống đến hơn 80 tuổi mới qua đời. Khi tỉnh dậy, Lư Sinh phát hiện nồi kê vàng của quán trọ vẫn chưa chín thì vô cùng kinh ngạc. Lữ Ông cười bảo: “Mọi huy hoàng của đời người, cuối cùng cũng chỉ như thế thôi!”
Cả hai thành ngữ giống nhau ở điểm là đều xuất phát từ truyện truyền kỳ thời Đường, cốt truyện ngắn gọn và liên quan đến giấc mơ. Cả hai nho sinh đều cùng trải qua vinh hoa phú quý trong mơ, trong khi thời gian ở thực tế lại rất ngắn. Tuy nhiên điểm khác nhau là dù hoàng lương mỹ mộng có vài biến cố nhưng chung quy, giấc mộng của Lư Sinh khá suôn sẻ, cuối cùng vẫn đạt được đỉnh cao nhân sinh vì anh ta vốn khao khát công danh, tiền tài, cảm thấy bất mãn với thực tại nên mới mơ một giấc mơ đầy tham vọng. Trong khi giấc mơ của Thuần Vu Phần lại có sự thăng trầm rõ rệt, từ địa vị cao sang rơi xuống đáy vực sâu, từ thái thú Nam Kha trở thành kẻ bị trục xuất. Cho nên “hoàng lương mỹ mộng” là thành ngữ mang tính phê phán, ám chỉ sự hoang tưởng và giấc mộng viển vông. Còn Nam Kha nhất mộng thì mang nhiều cảm thán, tiếc nuối, nhấn mạnh sự thăng trầm của cuộc đời.
Trong văn học cổ điển Việt Nam, hai thành ngữ này không có sự phân biệt nghĩa quá rõ ràng. Các cụm từ như mộng hoa hòe, giấc hòe, mộng Nam Kha, giấc kê vàng, mộng hoàng lương,… đều được dùng với nghĩa như nhau, ý chỉ mọi vinh hư được mất trong đời đều chỉ như giấc mộng.
Ví như trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã viết rằng:
“Sinh vừa tựa án thiu thiu
Dở chiều như tỉnh dở chiều như mê
Tiếng sen sẽ động giấc hoè
Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần.”
Hay:
"Vực nàng tạm xuống môn phòng
Hãy còn thiêm thiêm giấc nồng chưa phai
Hoàng lương chợt tỉnh hồn mai
Cửa nhà đâu mất lâu đài nào đây?"
Nguyễn Gia Thiều cũng viết trong Cung oán ngâm khúc rằng:
“Giấc Nam Kha khéo bất bình,
Bừng con mắt dậy, thấy mình tay không.”
Thực ra mộng không phải chỉ để mộng mà còn để soi chiếu đời thực, nhờ đó mà người ta nhận ra sự phù phiếm của quyền thế, sự mong manh của vinh hoa và sự vô thường của những kiếp người. Mộng Nam Kha hay mộng kê vàng đều là tiếng thở dài đẹp nhất của văn chương cổ điển. Có lẽ vì thế mà tự cổ chí kim, độc giả vẫn luôn xuyến xao trước một giấc kê vàng, vẫn còn thấy mình lạc bước trong thành quách của gốc cây hòe cổ. Mà lại có sao đâu? Được mộng, được yêu, được sống, được mất, được tiếc nuối một lần như thế… cũng đã là một đời rất thơ.
—
Bài viết: Khánh Ly
Hình ảnh: Nam Kha nhất mộng, thủ bút của Thanh Đài nữ sĩ