Quần lĩnh áo the là mặc đồ gì?

Quần lĩnh áo the có phải chỉ áo dài hay áo tứ thân không? Tất nhiên là không, lĩnh và the không nói đến kiểu dáng áo quần, mà nói về chất liệu. Các bạn biết nghề tàm tang không? Tàm là con tằm, tang là cây dâu, tàm tang, hay còn có biến âm […]

Quần lĩnh áo the có phải chỉ áo dài hay áo tứ thân không?

Tất nhiên là không, lĩnh và the không nói đến kiểu dáng áo quần, mà nói về chất liệu.

Các bạn biết nghề tàm tang không? Tàm là con tằm, tang là cây dâu, tàm tang, hay còn có biến âm tằm tang, là để chỉ nghề trồng dâu nuôi tằm.

Một nong tằm là năm nong kén, một nong kén là chín nén tơ.

Tơ là vật liệu do con tằm nhả ra, sau thêm nghĩa sợi dây mỏng. Dây tơ hồng á các bạn.

Từ sợi tơ, người ta mới dệt nên lụa. Nhưng không chỉ lụa, tơ tằm còn làm ra được nhiều loại chất liệu khác nữa:

Lĩnh: còn gọi là lãnh, sợi tơ được phết hồ rồi dệt dày hơn lụa, được dệt bằng tơ tằm nõn, một mặt bóng mịn, một mặt mờ. Lĩnh được cho là quý hơn lụa, có quy trình sản xuất rất cầu kì. Vải lĩnh thường có màu đen, trơn bóng hoặc có hoa, gọi là lĩnh hoa chanh, thường dùng để may quần dài cho các nhà quyền quý. Lĩnh Bưởi ở vùng Kẻ Bưởi miền Bắc (gồm các làng An Thái, Bái Ân, Hồ Khẩu, Trích Sài) và lãnh Mỹ A ở miền Nam là hai loại vải lĩnh nổi tiếng ở nước ta.

The hoặc sa: dệt mỏng và thưa, nhìn xuyên qua được. Thứ hàng dệt bằng tơ nhỏ sợi, mặt thưa, mỏng và không bóng mịn.

Vậy nên quần lĩnh áo the là cái quần bằng lĩnh, còn gọi là lãnh, còn áo bằng the.

Tơ tằm còn dệt nên đũi, là một loại lụa được dệt bằng tơ thô, nhìn không đẹp và sang như lụa.

Trong bài thơ Chân quê của Nguyễn Bính có câu: Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân

Nhiễu là thứ hàng tơ, mặt hơi sần như cát

Ca dao Việt Nam có câu rất phổ biến là:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước thì thương nhau cùng

Nhiễu điều là tấm vải tơ màu đỏ đó mọi người

Tiếng Việt phong phú, mà nghề tằm tang ở mình cũng đa dạng thành phẩm quá các bạn ha.

Ảnh: Phơi lãnh ở làng lụa Tân Châu, An Giang.