Quy củ 規矩

Quy củ 規矩 nghĩa là những chuẩn mực, phép tắc đã được xác lập thành quy ước trong hành vi và ứng xử. Đây không chỉ là nguyên tắc điều chỉnh hành động mà còn là nền tảng đạo lý trong cách đối nhân xử thế của người xưa.

Quy 規, nghĩa gốc của nó chỉ một dụng cụ để vẽ hình tròn, giống như com-pa. Phàm thứ gì có tính đo lường, uốn nắn, chỉnh đốn thì đều gọi là quy. Từ nghĩa gốc đó mở rộng ra các nghĩa như khuôn phép, phép tắc, lề thói,… như ta biết. Sách Thuyết Văn Giải Tự chú rằng: Quy được cấu tạo bởi chữ phu 夫 và bộ kiến 見, thuộc kiểu chữ hội ý, nghĩa là thứ mà người đàn ông trông thấy. Mẹ của Xuân Thu Lỗ quốc Công Phụ Văn Bá từng nói: “Nữ nhi thông minh không ai bằng người vợ, nam nhi thấu sự không ai bằng người chồng”, cũng cho rằng kẻ trượng phu có hiểu biết và hành xử đúng mực thì nhất định hợp với quy củ lề thói. Chữ quy có chữ phu 夫 và bộ kiến 見 là vì như thế. Những từ thường gặp như quy định, quy mô, quy ước, quy trình, quy hoạch, quy luật, quy phạm, v.v.. đều dùng chữ quy này.

Củ 矩, nghĩa gốc của nó chỉ một dụng cụ để đo góc vuông, cái khuôn để làm đồ vuông hoặc thước vuông của thợ mộc. Củ chỉnh sửa các vật thể từ nhiều hình dáng khác nhau về lại hình vuông vì đây là hình dạng có chuẩn mực đo lường cao. Nó cũng là chuẩn mực đo lường kỹ thuật trong các ngành chế tác khác, tượng trưng cho tính chính xác, nghiêm ngặt và không sai lệch. Từ đó mà củ cũng mở rộng ra các nghĩa phái sinh giống như quy.

Người xưa nói xây đàn pháp thì vuông theo củ, đúc đỉnh đồng thì tròn theo quy. Quy và củ mang nghĩa phái sinh tương đương nhau nên ngày xưa, hai chữ này thường không dùng phân biệt, giống như hai chữ uy 威 nghi 儀 vậy. Khi chúng được dùng riêng biệt thì đều mang tính hỗ tương, gợi ý nghĩa chung về chuẩn mực hành vi và nhân cách con người.

Quy và củ không chỉ là những dụng cụ trong đo lường chế tác mà còn là một biểu tượng văn hóa triết học rất đặc trưng của tư tưởng phương Đông, đặc biệt khi xét chúng dưới nhãn quan âm dương. Trong đó quy dùng để vẽ hình tròn, tượng trưng cho trời, đồng thời thể hiện sự chuyển động, uyển chuyển, linh hoạt. Còn củ dùng để vẽ hình vuông, tượng trưng cho đất, đồng thời thể hiện sự ngay thẳng, kiên định.

Quy bàn về cái tâm 心, củ bàn về cái hành 行. Quy củ đại diện cho nhiều cặp từ âm dương như trời đất, tròn vuông, tình lý, động tĩnh,… Cho nên nói nó có nghĩa khuôn phép, chuẩn mực, quy định nhưng không phải chỉ là một cái khung bó buộc, mà chính là cái khung để tạo ra sự tự do trong khuôn khổ phép tắc. Như vòng tròn phải có tâm, hình vuông phải có cạnh thẳng, làm người cũng phải có tâm pháp và khuôn phép. Người học Nho có quy củ là người vừa cứng rắn vừa tuân theo lễ pháp, song không phải vì thế mà người đó thiếu đi sự uyển chuyển trong cách ứng xử.

Quy định hình tròn, củ định hình vuông, thế nhưng con người ta không thể chỉ sống tròn hay chỉ sống vuông. Cuộc sống vốn là sự dung hòa âm dương mà những người giữ được quy củ là người thấu hiểu quy luật âm dương. Họ biết mình có lúc phải mềm để buồm thuận, có lúc phải cứng để giữ mình. Vậy nên chúng ta giữ quy củ cốt nào phải gò bó mà là để tự do có hình, đồng thời để đạo làm người có điểm tựa mà không trôi vào vô hình vô dạng vậy.
__
Bài viết: Khánh Ly
Hình ảnh: Quy củ, thủ bút của Thanh Đài nữ sĩ