Tại sao tên con gái thường lót chữ Thị?
Tiếng Việt có chữ Thị, một chữ rất đặc biệt trong truyền thống đặt tên của người Việt, bắt nguồn từ thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất, bởi hễ đặt tên là các cụ cứ theo công thức trai Văn gái Thị.
Thị, chữ Hán viết là 氏. Theo học giả An Chi, Thị 氏 vốn là một từ Việt gốc Hán dùng để chỉ phụ nữ, đồng thời cũng là cách mà phụ nữ dùng để tự xưng mình. Trong các tư liệu từ nguyên, câu “Phu nhân xưng thị” đã cho thấy rõ Thị 氏 như một danh xưng mang tính cá nhân và giới tính riêng biệt, gắn liền với nữ giới.
Về mặt nguồn gốc chữ, chữ Thị 氏 trong văn hóa Trung Hoa có nghĩa gốc là “họ” hay “ngành họ” dùng để chỉ dòng tộc, thường xuất hiện trong tên họ của người phụ nữ ý chỉ theo họ chồng, thông thường sẽ không dùng tên cúng cơm của người nữ đó nữa. Ví dụ nàng Tô Thị tức là người vợ của ông nọ họ Tô, cho nên chung quy, nó sẽ mang tính danh tộc hơn là cá nhân. Tuy nhiên khi du nhập vào văn hóa Việt Nam, Thị 氏 lại mang một ý nghĩa đặc trưng cho truyền thống và văn hóa bản địa.
Người Việt, đặc biệt là tầng lớp quyền quý và trí thức không hoàn toàn áp dụng theo cách gọi Thị 氏 của Trung Hoa. Họ giữ lại họ cha của người phụ nữ và thêm chữ Thị 氏 vào sau họ cha, làm dấu hiệu nhận dạng thân phận nữ giới. Điều này vừa thể hiện sự tôn trọng dòng họ cha mẹ, vừa xác định vị trí của người nữ trong xã hội.
Những danh xưng cổ như Cù Thị (trước khi lên ngôi hoàng hậu Cù Hậu), hay Hoàng hậu Dương Thị, bà phi Nguyễn Thị, đều minh chứng cho cách đặt tên này, từ đó gợi nhớ về cội nguồn dòng dõi, đồng thời nhấn mạnh tính gia tộc trong đời sống xã hội người Việt.
Khi chữ Nôm phát triển và văn hóa Việt Nam bắt đầu có dấu ấn riêng biệt, nhất là từ thế kỷ 15 trở đi, chữ Thị 氏 không còn là thành tố phụ trợ nữa mà đã trở thành một phần không thể thiếu trong cấu trúc đặt tên của phụ nữ. Đó là: Họ + Thị + Tên. Đây vừa là cách khẳng định rõ ràng về nguồn gốc, dòng dõi của người nữ, vừa thể hiện sự gắn bó chặt chẽ với gia đình và cộng đồng. Qua đó mà chữ Thị 氏 khi xưa được xem như cầu nối giữa cá nhân và dòng tộc, hơn hết còn chứa đựng sự tôn kính đối với tổ tiên ông bà.
Ngày nay, nhiều gia đình không còn mặc định phải đặt lót chữ Thị 氏 cho tên con gái mà thay vào đó là những cách đặt tên mới sáng tạo hơn, mang dấu ấn riêng hơn. Sự thay đổi này phản ánh một xã hội đã cởi mở hơn về vai trò và định nghĩa của người phụ nữ.
Khi thân phận không còn bị giới hạn trong khuôn khổ gia tộc hay giới tính thì tên gọi cũng trở nên tự do. Bàn về chữ Văn 文 và chữ Thị 氏 là để hiểu về khuôn mẫu trong tên gọi xưa, đồng thời hiểu được những lớp nghĩa sâu kín mà thế hệ đi trước từng khéo léo cài vào từng con chữ.
___
Bài viết: Khánh Ly
Hình ảnh: Chữ Thị, thủ bút của Cảnh Lân