Tại sao tên con trai hay lót chữ Văn?

Tiếng Việt có chữ Văn, một chữ rất quen thuộc trong truyền thống đặt tên của người Việt, bởi hễ đặt tên là các cụ cứ theo công thức trai Văn gái Thị.

Văn, chữ Hán là 文. Theo sách Thuyết Văn Giải Tự, chữ Văn 文 có nghĩa là những nét vẽ đan xen lẫn nhau, ban đầu mô tả các hoa văn xăm lên cơ thể, gọi là văn thân 文身. Đây là một tập tục phổ biến ở các dân tộc phương Nam thời cổ. Từ hình xăm trên thân thể, nghĩa của 文 văn mở rộng ra thành hoa văn trên vải, vân gỗ, hoa tiết trang trí, từ đó tiếp tục phát triển thành nghĩa tinh hoa cái đẹp trong chữ viết, những giá trị tinh thần được kiến tạo có quy luật và tính thẩm mỹ như văn hóa, văn minh, văn hiến, văn học,…

Xét trong ngũ hành, Văn 文 thuộc hành Thủy, đại diện cho sự mềm mại, uyển chuyển và trí tuệ linh hoạt. Bởi vì Thủy là yếu tố biểu trưng cho thông minh, sáng suốt và khả năng thích nghi với hoàn cảnh nên Văn 文 đã trở thành những phẩm chất mà xã hội Á Đông coi trọng. Đặc biệt người có “Văn” theo quan niệm xưa tức là người có học, đồng thời người ấy cũng phải có tính cách điềm đạm, văn hóa ứng xử chuẩn mực và phù hợp lễ nghĩa.

Trong dòng chảy lịch sử và văn hóa Việt Nam, ta hay nghe “nam Văn nữ Thị” hay “trai Văn gái Thị”, nghĩa là người xưa đặt tên con trai thường sẽ có chữ “Văn” làm tên đệm, đặt tên con gái thì thường sẽ có chị “Thị” trong tên. Điều này cũng không khó lý giải khi dưới chế độ phong kiến và quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” đã ăn sâu vào tiềm thức, ta biết rằng việc học hành và thi cử vốn là con đường duy nhất để nam giới khẳng định vị thế xã hội của mình. Chỉ có người nam mới được đặt trọng trách học hành thi cử, chữ Văn 文 chính là dấu mốc để phân biệt rõ ràng về giới tính và địa vị.

Có lẽ vì vậy mà chữ Văn 文 thường được chọn làm tên đệm cho con trai như một lời cầu chúc, mong muốn người con trai có tri thức, công thành danh toại và đạt được sự tôn trọng từ xã hội.

Ngày xưa, chữ Văn 文 với vai trò là một cái tên đã từng là biểu tượng của học thức và kỳ vọng lớn lao, đồng thời phản ánh quan niệm truyền thống về vai trò và địa vị của người nam trong xã hội. Tuy nhiên ngày nay thì việc đặt tên con đã không còn bị gò bó vào những quy tắc xưa. Mỗi gia đình đều tự do sử dụng theo cách riêng, có thể truyền thống, có thể cá tính, vì “nam Văn nữ Thị” vốn đã không còn là khuôn mẫu cứng nhắc nữa.
__
Bài viết: Khánh Ly
Hình ảnh: Văn, thủ bút của Thanh Đài nữ sĩ