THIẾU NIÊN VÀ CHIM DIỆC: Một mớ hỗn độn mãn nhãn

Một câu chuyện hay thường cân bằng được cuộc phiêu lưu bên ngoài và nội tâm của nhân vật. Quá chú trọng vào cuộc phiêu lưu có thể sẽ thành ra một thông điệp nông cạn. Còn nếu chỉ tập trung cho nội tâm có thể sẽ thành ra một hành trình nhàm chán.

Nhìn từ chuyên môn, THIẾU NIÊN VÀ CHIM DIỆC có những lỗ hổng nào?

Bạn không cần phải xem phim THIẾU NIÊN VÀ CHIM DIỆC để đọc hiểu bài viết này, nhưng lưu ý, nếu bạn muốn coi phim thì CHƯA nên đọc bây giờ!

Một câu chuyện hay thường cân bằng được cuộc phiêu lưu bên ngoài và nội tâm của nhân vật. Quá chú trọng vào cuộc phiêu lưu có thể sẽ thành ra một thông điệp nông cạn. Còn nếu chỉ tập trung cho nội tâm có thể sẽ thành ra một hành trình nhàm chán. Nhưng rồi khi đã đạt được cái điều kiện này, tức là có được một cuộc phiêu lưu thú vị, hấp dẫn và giải trí, và cũng vừa có được một nội tâm sâu sắc, thuyết phục và cảm động, thì vấn đề vẫn còn chưa hết. Hai thứ này phải được kết nối sao cho cuộc phiêu lưu phản ánh và tác động nội tâm nhân vật, cũng như nội tâm đó phải ảnh hưởng ngược hành trình bên ngoài và thấy rõ nhân vật trưởng thành, thay đổi qua từng tình tiết.

THIẾU NIÊN VÀ CHIM DIỆC của Hayao Miyazaki đã giải quyết được vấn đề đầu tiên, một chuyến đi kỳ ảo và một nhân vật mắc kẹt với nỗi đau khôn nguôi. Một tổ hợp hoàn hảo và điển hình. Đáng tiếc, kết nối giữa hai thứ này lại rất yếu, yếu đến mức mà nó phá vỡ mọi công sức sáng tạo của Ghibli, khiến cho bộ phim rời rạc, nhàm chán và chẳng đọng lại được trong lòng người xem.

Cuộc phiêu lưu của THIẾU NIÊN VÀ CHIM DIỆC là Mahito đi vào trong tòa tháp để: 1 gặp lại mẹ; 2 giải cứu dì Natsuko; 3 trở thành chủ nhân mới của toà tháp.

Hành trình nội tâm của Mahito cũng bao gồm ba vấn đề: 1 vượt qua nỗi đau mất mẹ; 2 chấp nhận dì Natsuko; 3 nhận ra thế giới bên ngoài tươi đẹp và đáng sống.

Mỗi một tuyến phiêu lưu đều có một vấn đề nội tâm tương xứng. Nhưng bộ phim không thể kết nối chuyến phiêu lưu và nội tâm, và ngay cả hành trình phiêu lưu lẫn hành trình nội tâm cũng rời rạc.

Mahito cần phải học cách nguôi ngoai cái chết của mẹ. Vấn đề tâm lý của cậu bé không chỉ xuất phát từ đau buồn do mất người thân, mà còn từ lồng giam cậu tự tạo ra để nhốt mình lại. Đây chính là rào cản nội tâm trong phương pháp xây dựng nhân vật. Rào cản nội tâm cần có một lý do cụ thể để hình thành, và của Mahito, là việc cậu bé tự trách mình không đến kịp và không có năng lực để cứu mẹ trong đám cháy. Rào cản nội tâm của Mahito rất sâu sắc và nhiều tầng lớp, có giận dữ, có đau thương, có tiếc nuối v.v.. Ở sâu nhất, nó vẫn là tự trách và câu nói “cứu mẹ” ám ảnh cậu bé đến trong tận giấc ngủ. Vậy, cách mở ra rào cản tâm lý của Mahito là trừ bỏ được ám ảnh này.

Bộ phim đã tạo không gian cho Mahito được đồng hành cùng mẹ, Himi trong quá khứ. Nó vốn nên là một cơ hội để cậu bé biết thêm về mẹ mình, bù đắp được phần nào tiếc nuối khi cô mất đi. Ta cần thấy được Mahito không chỉ đi cùng mẹ, mà còn cần thấy hai mẹ con gần gũi hơn, Mahito hiểu rõ về con người mẹ hơn và có được những khoảnh khắc đáng nhớ. Trong phim, khoảnh khắc đáng nhớ duy nhất về tình mẹ con là lúc hai người ngồi ăn cùng nhau, Mahito được Himi làm cho món bánh mì. Đó là một cảnh rất đẹp và dễ thương, nhưng nó không đủ để gọi là một trải nghiệm chấn động hình thành nhận thức mới cho nhân vật. Thậm chí, lúc đó Mahito còn chẳng biết đó là mẹ mình.

Trong cấu trúc câu chuyện, khoảng lặng giữa các tình tiết là cơ hội tốt để xây đắp nhân vật và các mối quan hệ giữa mọi người. Như SOUSOU NO FRIEREN, ngoài những cảnh chiến đấu mãn nhãn, thì những lúc nghỉ ngơi, trò chuyện, tương tác với nhau mới là lúc nhân vật bộc lộ tính cách và hình thành các kỉ niệm, tạo dựng mối quan hệ sâu sắc. Hãy thử so sánh khi Frieren nhớ về quá khứ, số cảnh ngoài chiến đấu chiếm tỉ lệ cao so với khi chiến đấu nhiều hơn và cũng đáng nhớ hơn.

Cảnh ở căn bếp là khoảng lặng duy nhất giữa Mahito và Himi. Sau đó, câu chuyện liên tục diễn biến, không có không gian cho nhân vật kịp thở, và đã bỏ lỡ hoàn toàn mọi cơ hội để mở ra lại không gian cho hai mẹ con kết nối. Để đến đoạn kết, trước khi bước qua cánh cửa trở về thế giới bên ngoài, hai người còn chẳng kịp có thời gian trao đổi, mà chỉ “nôn” sạch những thứ cần nói mà không có chút tác động cảm xúc nào cả. Ta biết được gì về Himi? Mahito nghĩ gì về mẹ mình? Mahito kết nối với mẹ như thế nào? Được đồng hành cùng Himi đã giúp cậu bé thay đổi suy nghĩ về cái chết của mẹ như thế nào? Mọi thứ này đều không hiện hữu trong câu chuyện. Bộ phim hoàn toàn không có thời gian lẫn không gian để làm những việc cần phải làm cho tuyến truyện này, thế là mọi thứ bị dồn cục vào một cái kết thiếu thoả mãn.

Kết nối ở tuyến 2, cứu và chấp nhận dì Natsuko cũng mắc phải trở ngại tương tự. Về lý thuyết, nhân vật cần phải đối mặt trực diện với rào cản để vượt qua nó. Trong THIẾU NIÊN VÀ CHIM DIỆC, Mahito không đối mặt với Natsuko, tạo thành điểm yếu chết người phá hỏng câu chuyện. Tương tác giữa hai người rất ít và không đủ ý nghĩa. Ở đoạn đầu, giữa hai dì cháu vẫn còn khoảng cách, chưa có được các khoảnh khắc mạnh, nhiều cảm xúc để xác lập mối quan hệ. Đến đoạn sau, Natsuko biến mất khỏi câu chuyện và Mahito chỉ gặp cô trong căn phòng đá. Natsuko đuổi Mahito, và cậu bé bỗng nhiên lần đầu tiên gọi cô là mẹ, chấp nhận cô bước vào cuộc sống của mình. Cái gì đã dẫn dắt cho tâm lý của Mahito biến chuyển đến lúc này? Chẳng gì cả. Cậu bé đã hiểu gì về chính con người của Natsuko? Đã tìm thấy được điểm chung nào? Điểm nào để cậu có thể chấp nhận cô bước vào cuộc đời mình? Bộ phim hoàn toàn không xử lý được các vấn đề này.

Nếu nói toàn bộ phân cảnh trên biển cùng với Kiriko đã dạy cho cậu bài học triết lý về sự sống và cái chết thì đó là một sai lầm trong nghệ thuật kể chuyện. Nhân vật có thể tiếp xúc với hình ảnh trừu tượng, và dùng hình ảnh đó để khai mở tư duy của mình. Nhưng đó là sau khi nhân vật đã đối mặt với vấn đề của mình trước, tuy đã nhận được bài học, vẫn còn mang nhiều suy tư. Và rồi hình ảnh trừu tượng sẽ là thứ giúp khai mở các khúc mắc. Nếu hình ảnh trừu tượng là tác nhân chính, câu chuyện sẽ thiếu sức thuyết phục vì khán giả không thể nào từ hư không mà bắt vào tâm lý nhân vật, không thể đứng từ góc độ của nhân vật để diễn giải và cảm nhận các hình ảnh đó vì họ còn chưa kịp hiểu nhân vật, sao bắt họ hiểu được những thứ mịt mù như thế. Đó là điểm yếu của việc bám riết hình ảnh trừu tượng bay bổng và bỏ quên đi cần phải kết nối nội tâm với câu chuyện.

Mahito cần phải đối mặt với Natsuko nhiều hơn, hai người phải cùng nhau trải qua nhiều biến cố, có trải nghiệm chấn động rồi từ đó mới hình thành được nhận thức mới về mối quan hệ. Cậu bé cần phải rút ra được bài học từ những tương tác với người dì, cần phải hiểu rõ tính cách, con người của cổ, thì khi cậu thốt ra “mẹ” nó mới mang đầy đủ ý nghĩa, cả về nhân vật lẫn người xem. Tự người xem cần phải bực dọc khi thằng bé này quá lì lợm, và chia sẻ niềm khao khát được nghe tiếng gọi đó của Natsuko. Ta chẳng hề có được trải nghiệm như thế trong THIẾU NIÊN VÀ CHIM DIỆC, như ta đã từng có trong Ghibli của quá khứ. Vì vậy, ta chẳng đọng lại được gì trong cái hành trình tìm kiếm tình mẫu tử, chẳng có để mà nhớ.

Đến tuyến thứ 3 làm chủ tòa tháp mới là mục đích chính của câu chuyện. Tuy vậy, số 1 và 2 mới là mục tiêu mà nhân vật hướng đến ngay từ ban đầu, và cũng là thứ thúc đẩy mọi hành động của nhân vật cho đến trước đoạn kết. Ngay từ đây đã thấy được vấn đề mất kết nối giữa các tuyến truyện. Tuyến 3 cũng mắc phải vấn đề tương tự như 1 và 2, và để nêu rõ ràng hơn, đó là Mahito không thực sự tham gia vào câu chuyện.

Tham gia không chỉ là có mặt ở đó, mà còn phải nhúng tay, bị tác động và tác động các sự kiện, các tình tiết. Mahito là người xem trong toàn bộ phân cảnh trên biển với Kiriko, khi về đến tàu, lần nữa vẫn là người xem, thẳng cho đến lúc gặp con chim bồ nông, cậu mới chủ động hơn được một chút. Con bồ nông giải thích quy tắc thế giới cho cậu, và có lẽ ở đó cậu đã nhận được gì đó. Nhưng cái đó là gì? Một lần nữa câu chuyện không rõ ràng. Trong ngôn ngữ câu chuyện nói chung, cần có những khoảnh khắc có ý nghĩa, là những cột mốc quan trọng trong tuyến truyện để xác lập quá trình trưởng thành của nhân vật. Thường sẽ có một mô hình chung như sau: nhân vật có trải nghiệm chấn động, thông qua trải nghiệm nhân vật học được cái mới, nhân vật hành động cho thấy bài học đã được tiếp thu và chuyển hoá thành tính cách. Các phim cũ của Ghibli vẫn bám theo mô hình này. Cảnh với con bồ nông thì không. Nó đáng nhớ vì nó giải thích quy tắc của tòa tháp, chứ không vì Mahito đã có hành động ở đó.

Tiếp tục như vậy, khi gặp bầy vẹt, cũng là các sinh vật của tòa tháp, trong đó có một bài học. Nhưng bài học đó là gì? Một lần nữa, Mahito không có một trải nghiệm có ý nghĩa trong thế giới của đám vẹt. Chúng tấn công vào vấn đề nội tâm nào của cậu? Chúng khiến cậu phải nghĩ gì? Chúng khiến cậu phải thay đổi thế nào? Thực sự mà nói, không hề rõ ràng. Mọi thứ cứ lưng chừng chẳng đẩy đến cảm xúc nào. Mahito còn chẳng tiếp xúc với con vẹt vua. Nếu câu chuyện là để Mahito nhận ra giá trị của cuộc sống ở bên ngoài tòa tháp, vậy thì con vẹt vua, một mặt khác của nỗi ám ảnh cuộc sống bên trong tòa tháp, đáng ra phải là một đối trọng để làm nổi bật thông điệp này, cần phải có nhiều tương tác với cậu. Một lần nữa câu trả lời là không.

Cuối cùng, đó là liên kết giữa các tuyến với nhau. Câu chuyện thường được cấu trúc theo dạng cộng dồn. Có nghĩa là hành trình trước sẽ chuyển thành bài học nền tảng cho hành trình tiếp sau. Nhưng trong THIẾU NIÊN VÀ CHIM DIỆC, mọi thứ đều dồn cục vào mười lăm phút cuối cùng, không có gì thật sự được giải quyết. Mahito đã gặp Himi, nhưng không biết đó là mẹ mình, và cũng không trưởng thành nhờ hành trình cùng cô. Mahito đã gọi Natsuko là mẹ, dù thiếu rất nhiều dẫn dắt, và việc gọi Natsuko là mẹ cũng chẳng có ý nghĩa gì khi mãi khi tòa tháp sụp đổ Natsuko mới thoát ra được, và Mahito cũng chẳng có tương tác nào có ý nghĩa với người mẹ mới. Và ta cũng sẽ đặt câu hỏi, hành trình cùng Himi đã dạy cậu bé điều gì để chấp nhận Natsuko? Rất khó để trả lời vì không có câu trả lời.

Mahito đã gặp người ông ám ảnh với sự sống trong tòa tháp, nhưng người ông này thiếu tương tác với cậu, khó để cậu bé đồng cảm được với ông ta. Ông muốn thuyết phục cậu sinh mạng trong tòa tháp đẹp đẽ, nhưng cả hành trình đó lại chỉ là những tạo vật ghê rợn. Kế hoạch thuyết phục một cậu bé tiếp tục công cuộc của tòa tháp là cho cậu tiếp xúc với cái đám tạo vật toan làm thịt cậu suốt hành trình. Thật khó để mà nghe theo. Hành trình cùng Himi, hành trình tìm Natsuko đã dạy cho cậu điều gì về sự sống và cái chết để chuyển tiếp sang tuyến thứ 3 này? Câu trả lời vẫn là không.

THIẾU NIÊN VÀ CHIM DIỆC thiếu rất nhiều. Nhìn từ tác phẩm cuối cùng, có thể thấy được dấu vết của một quá trình tái cấu trúc, xây dựng lại rất nhiều trong thời gian gấp gáp cho nên mọi thứ chưa hài hòa và ăn khớp. Mất kết nối còn thấy được ở chi tiết mũi tên. Câu chuyện cho Mahito mũi tên từ rất sớm, cho cậu quyền chủ động, quyền quyết định và thay đổi câu chuyện theo ý mình nhờ sức mạnh của mũi tên. Nhưng rất nhanh mũi tên bị tước. Có mũi tên, Mahito quá mạnh, và rất nhiều mối nguy sẽ thành chuyện nhỏ. Có lẽ, khi nhận ra điểm này, đạo diễn đã tạo ra phân cảnh đầy hỗn loạn khiến mũi tên bị hỏng. Đó là một phân cảnh không có cấu trúc rõ ràng, nó hỗn loạn có lẽ vì nó sinh sau đẻ muộn để giải quyết vấn đề cân bằng quyền lực chứ không được dự tính từ trước.

Vấn đề mất kết nối chỉ là một triệu chứng của việc không có định hướng rõ ràng cho câu chuyện. Cả ba tầng lớp tìm mẹ, chấp nhận mẹ mới, và triết lý sống chết đều được đẩy lên, khiến chúng cạnh tranh nhau, bóp nghẹt không gian sinh tồn và phá hoại bộ phim. Nhìn vào cốt lõi của câu chuyện, có một cảm giác rằng tuyến tòa tháp mới là ý tưởng gốc, mẹ và dì là những cái sinh sau đẻ muộn để hợp lý hóa một số tình huống và dẫn dắt câu chuyện. Ít nhất câu chuyện tòa tháp có tiến trình và nếu người xem vắt hết não, vẫn tạo ra được một mối nối đầu và cuối. Tuyến mẹ và dì lại không có.

Khi cố gắng trình bày một triết lý phức tạp, Ghibli đã đánh mất điểm mạnh của mình đó là một câu chuyện đơn thuần. Họ vốn đã thành công trong quá khứ, câu chuyện đơn thuần vẫn tải được triết lý sâu sắc. Khó hiểu vì sao THIẾU NIÊN VÀ CHIM DIỆC lại không lặp lại được mô hình cũ. Có lẽ, nó là tác hại của việc chạy theo tình tiết, chạy theo những sáng tạo mà đạo diễn không nỡ từ bỏ khi chúng đã không còn phục vụ cho câu chuyện. Đàn vẹt quá mạnh, quá đặc trưng, nhưng chúng cuốn câu chuyện theo chiều hướng mà nhân vật chính không còn là vai chủ đạo, và nếu muốn lấy lại quyền chủ động cho Mahito, bầy vẹt lại không còn giữ được theo ý tưởng. Phân cảnh trên biển rất kỳ diệu, nhưng nhân vật Kiriko không đóng vai trò gì thật sự có ý nghĩa ở đoạn sau. Nếu để cho Himi xuất hiện sớm hơn, hai mẹ con sẽ có nhiều thời gian hơn. Nhưng ý tưởng về nhân vật Himi lại không thuộc về thế giới biển cả đó. Kiriko hoàn hảo cho cảnh biển, nhưng không khớp được vào cấu trúc tổng thể. Himi là một nhân vật có nhiều ý nghĩa xuyên suốt, nhưng không hợp để dẫn dắt cảnh biển. Thiếu định hướng, có quá nhiều thứ cần triển khai đã từng bước giết chết công sức sáng tạo của cả một xưởng phim như thế.

THIẾU NIÊN VÀ CHIM DIỆC cho ta thấy ngay cả những người vĩ đại cũng có lúc vấp ngã. Ta có thể xem lại bộ phim này để tìm những hình ảnh ẩn dụ, các ý nghĩa biểu tượng được đạo diễn cài cắm trong từng tạo hình, từng chi tiết, còn nói về câu chuyện, đó là một cấu trúc đầy lỗ hổng. Nó là một bài học về kỹ thuật sáng tác bắt đầu từ giai đoạn lên ý tưởng, cần một ý tưởng rõ ràng, một trục xung đột chính rõ ràng với tuyến phát triển rõ ràng. Khi ta đã rõ mình muốn viết gì, không phải rõ theo cách chi li từng tí, mà là ý thức được điều mình khao khát diễn đạt, khi đó câu chuyện sẽ đến theo đúng cách mà ta muốn nó xuất hiện.