Truyện 傳
Tiếng Việt có chữ “truyện”, hán tự là 傳, một chữ vừa quen thuộc vừa vô cùng sâu sắc. Người ta thường viết truyện, đọc truyện, thưởng thức truyện nhưng có bao người từng hỏi chữ “truyện” ấy là gì, từ đâu mà ra, đã đi qua những ngả nào của ngôn ngữ và văn hoá.
Theo chương trình Ngữ Văn: Truyện là một thể loại văn học, trong đó trình bày một chuỗi sự việc liên tiếp, có đầu có đuôi, cuối cùng dẫn đến một kết thúc và thể hiện một ý nghĩa nhất định.
Chữ truyện 傳 này có một âm đọc thường gặp là truyền, đảm nhận chức năng của một động từ, nghĩa là từ chỗ này đưa đi chỗ khác. Những từ quen thuộc như truyền thống, truyền đạt, lưu truyền, cổ truyền, truyền thuyết, truyền kỳ, truyền tụng, v.v. đều dùng chữ truyền này. Theo sách Thuyết Văn Giải Tự, nghĩa gốc của nó trong văn tự triện cổ là truyền tin, âm đọc ban đầu cũng là truyền.
Tuy nhiên, vì mang ý nghĩa và cách dùng riêng biệt trong cổ văn nên nó đã có sự thay đổi sang âm đọc mới là truyện, nhằm phân biệt với truyền. Truyện là những tác phẩm văn học lấy việc miêu tả nhân vật và tình tiết câu chuyện làm trung tâm, thường là tiểu thuyết hoặc truyện viết theo phong cách Sử như Thủy hử truyện, Nhi nữ anh hùng truyện. Bên cạnh đó, truyện còn có nghĩa là thư tín, tiểu sử, những văn bản chỉ cho sách vở chú giải kinh văn. Các thuật ngữ như truyện chú 傳注 (văn bản giải thích kinh sách) hay truyện tiên 傳箋 (chú giải Kinh Thi) đều dùng chữ truyện với nghĩa này. Cách dùng này phổ biến trong các sách như Kinh Thi, Trang Tử, Luận Ngữ, v.v.. Trong văn bản lịch sử và triết học, truyện chính là phương tiện để ghi chép và bảo tồn các giá trị đạo đức, tư tưởng và sự kiện lịch sử, từ đó thể hiện rõ vai trò của động từ truyền trong mục tiêu “truyền đạo thụ nghiệp” của truyền thống học thuật phương Đông.
Mặc dù là một từ đa âm nhưng truyền và truyện rất dễ phân biệt. Vì nét nghĩa của chúng vốn không giống nhau mà âm đọc trong tiếng Việt lẫn tiếng Hán đều có sự khác biệt rõ ràng. Tuy nhiên, tiếng Việt ta lại có sự nhầm lẫn giữa truyện và chuyện. Vì âm đọc và ý nghĩa của chúng có phần tương đồng nên nếu không xét kỹ, rất dễ mắc lỗi chính tả.
Nói nôm na, truyện thuộc lĩnh vực văn chương nên thường cụ thể, có cốt truyện, tồn tại ở dạng văn bản và liên quan đến hoạt động viết, đọc, xem, thưởng thức. Trong khi đó, chuyện thuộc lĩnh vực đời sống và giao tiếp nên thường mơ hồ, mang tính tự nhiên, truyền miệng, tồn tại chủ yếu qua ngôn ngữ, liên quan đến việc nói, kể, nghe,… Ví dụ như chuyện cổ tích là những câu chuyện truyền miệng trong dân gian, còn truyện cổ tích là khi những câu chuyện dân gian đó đã được sưu tầm, ghi chép thành văn bản. Việc phân biệt rõ truyện với chuyện và hiểu đúng bản chất của mỗi chữ, không chỉ giúp tránh lỗi dùng từ mà còn là cách trân trọng, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Trong diễn ngôn văn học hiện đại, truyện không chỉ là hình thức tự sự để kể lại một chuỗi sự kiện mà đã trở thành nơi lưu giữ ký ức dân gian, chân dung cá nhân và ẩn dụ xã hội. Khi tác giả chọn một hình thức truyện bất kỳ, dù là truyện ngắn, truyện ký, truyện tự thuật hay truyện dã sử thì họ đều đã chọn một cách “truyền” đi kinh nghiệm, góc nhìn, cảm xúc và giá trị tư tưởng. Chữ truyện khi đó lại quay về với nghĩa gốc của nó: Một hành vi truyền tải, đồng thời đã được nâng lên tầm truyền cảm, truyền đạo, truyền linh hồn dân tộc đằng sau từng con chữ, trang sách.
__
Bài viết: Khánh Ly
Hình ảnh: Truyện, thủ bút của Thanh Đài nữ sĩ