Về cốt truyện “phức tạp” của Oppenheimer
Một câu chuyện cần được kể theo cách nó cần được kể. Content – nội dung và Form – hình thức có thể xem mấu chốt trong mọi quyết định của một người viết. Câu chuyện không thực sự tồn tại khi chưa có được hình thức phù hợp để diễn đạt những nội dung mà người viết khao khát truyền tải.
Xin chào, đây là ad Dũng. Và đây là bài viết trong chuỗi SAU HAI TIẾNG.
Bạn không cần phải coi phim Oppenheimer để đọc hiểu bài viết này, nhưng lưu ý, nếu bạn muốn coi phim thì CHƯA nên đọc nó bây giờ!
Một câu chuyện cần được kể theo cách nó cần được kể. Content – nội dung và Form – hình thức có thể xem mấu chốt trong mọi quyết định của một người viết. Câu chuyện không thực sự tồn tại khi chưa có được hình thức phù hợp để diễn đạt những nội dung mà người viết khao khát truyền tải. Và tìm kiếm cái phù hợp đó trở thành cửa ải quyết định thành và bại của một đời nghệ sĩ trong mỗi một tác phẩm. Trong trường hợp của Oppenheimer do Christopher Nolan đạo diễn, đó là một câu chuyện không tưởng. Không tưởng cả về tầm vóc nhân vật trung tâm Oppenheimer, lẫn nội dung cực kỳ khó truyền tải. Nhưng Nolan là một nhà làm phim nắm giữ được lý thuyết cấu trúc, và vận dụng toàn bộ sức mạnh của cấu trúc và bố cục để biến cuộc đời Oppenheimer từ một đoạn tiểu sử rời rạc, thành một bộ phim liền mạch, và tôn vinh tư tưởng hòa bình của cha đẻ bom nguyên tử.
Oppenheimer có thể được chia thành ba tuyến truyện chính, với quãng thời gian đứt gãy giữa mỗi tuyến để phân chia khá rõ ràng.
Tuyến truyện 1: Quá trình tạo ra bom nguyên tử. Cảm xúc chính ở đây câu chuyện muốn xây dựng cho khán giả là nỗi thấu hiểu dành cho nhân vật Oppenheimer, với những khó khăn, rào cản ông đã chiến thắng để hoàn thành công trình của đời mình. Qua tuyến truyện này ta hiểu được con người, tư tưởng của ông. Và điểm mấu chốt mà Nolan đã làm ở đây đó là thể hiện mọi thứ thật chân thành. Không một giây phút nào xuyên suốt cảnh này khán giả dấy lên lòng nghi ngờ về con người này, hay hoài nghi liệu chăng ông ta có mục đích khác ẩn giấu. Ta được nhìn thấy chân diện mục của Oppie.
Tuyến truyện 2: Phiên thẩm vấn để cấp lại quyền an ninh cho Oppenheimer. Cảm xúc chính ở đây là phẫn nộ. Vì khán giả đã hiểu được những gì Oppie phải trải qua ở tuyến truyện 1, đã được thấy con người hết mình vì khoa học và đất nước, nên ta khó chịu khi chứng kiến ông bị hoài nghi vô căn cứ. Rồi câu chuyện dần hé lộ đây là âm mưu đánh úp của các đối thủ chính trị nhằm hạ bệ ông, ta phẫn nộ thay cho Oppie, và ta thù ghét kẻ chủ mưu Lewis Strauss.
Tuyến truyện 3: Phiên điều trần để Lewis Strauss leo chức Bộ Trưởng Thương Mại. Cảm xúc chính mà câu chuyện muốn đạt đến là hả hê. Khán giả sao có thể chấp nhận nhìn hắn có được vinh quang sau khi đê tiện hạ bệ người anh hùng của câu chuyện. Cho nên ta sung sướng khi thấy hắn bị bẽ mặt, cuộc đời hắn thành tàn tro. Một kết cục thỏa đáng cho kẻ phản diện hèn hạ.
Phân tích ra như vậy, cũng dễ thấy là ba tuyến truyện này có thể sắp xếp theo dòng thời gian, có thể kể tuần tự. Như thế sẽ đỡ rối hơn, dễ theo dõi hơn nhiều, nhưng sự thực là, nếu như làm khác đi, Oppenheimer sẽ thành một bộ phim trung bình chẳng đáng để xem, vì nó đã vi phạm nguyên tắc “setup – payoff”, một kiến thức căn bản mà mọi tác giả, nhà làm phim nào cũng sẽ được học trong lớp nhập môn.
Cùng với “setup – payoff” là nguyên lý tương tác với khán giả, nguyên lý đầu tư. Khi khán giả xem đoạn đầu của phim, trong tiềm thức họ sẽ tự sinh ra một mong đợi về định hướng của câu chuyện, và sẽ hài lòng khi thấy mọi thứ thành trái quả theo đúng như kỳ vọng. Có thể hiểu, trong tiềm thức, khán giả sẽ dự đoán đoạn kết của câu chuyện dựa trên đoạn đầu, và mong muốn bộ phim đi theo hướng đó. Nếu câu chuyện đi chệch khỏi quỹ đạo kỳ vọng, mà không có hướng triển khai hợp lý, thứ khán giả mang về nhà là một trải nghiệm không mấy vui vẻ.
Nếu kể câu chuyện Oppenheimer theo tuyến tính, không một chút nhấn nhá nào cho biết sẽ còn tuyến truyện 2 và 3 ở sau, khán giả sẽ tưởng rằng bộ phim này chỉ nói về quá trình tạo ra trái bom nguyên tử. Tuyến 1 này chiếm khoảng 60% thời lượng phim, tức gần hai tiếng đồng hồ. Khi khán giả bị bị cuốn sâu vào đó, với hiểu lầm rằng trái bom đặt dấu chấm hết cho Thế Chiến 2 cũng sẽ là kết thúc cho bộ phim. Bom nổ, họ chờ đèn sáng lên thì lại nhận ra phim vẫn còn tiếp diễn thêm 1 tiếng nữa. Lúc đó cảm xúc khán giả sẽ là khó hiểu. Họ đã rơi vào trạng thái kết thúc, nhưng bộ phim lại vẫn còn tiếp tục. Nếu muốn xem tiếp, họ sẽ phải khởi động lại cảm xúc của mình, quay ngược trở lại trạng thái ban đầu khi mới bước vào rạp. Đó là một trải nghiệm không mấy tốt đẹp. Như vậy, nếu kể câu chuyện này theo tuyến tính, nhà làm phim sẽ đánh mất khán giả do đã vô tình gieo vào tiềm thức họ một kỳ vọng rằng bộ phim sẽ kết thúc cùng trái bom, buộc họ phải khởi động lại cảm xúc để theo dõi tuyến 2 và tuyến 3. Rất may, Nolan nắm vững kỹ thuật.
Nolan lồng ghép các phân cảnh của tuyến 2 và 3 với mục tiêu và hiệu quả trước nhất đó là gieo vào đầu khán giả một thông tin: trái bom không phải là kết thúc. Ta vẫn bị cuốn theo những vụ nổ, cảm xúc của ta vẫn sẽ lên cao nhưng giờ đây trong tiềm thức ta biết rằng đây không phải kết thúc vì vẫn còn đến hai tuyến chưa giải quyết. Vậy nên, trái bom rơi xuống, nhưng ta không chờ đèn sáng lên, mà chờ đợi bộ phim tiếp diễn, chờ đợi tuyến 2 và tuyến 3 tiếp diễn.
Đây cũng là kỹ thuật “in media res”. Một ứng dụng của kỹ thuật này là đẩy lên đầu phim một trường đoạn quan trọng ở phần giữa gần với cao trào, sau đó sẽ lùi thời gian về mở đầu thật sự của câu chuyện. Nổi tiếng nhất với khán giả hiện đại có lẽ là phim Deadpool với câu nói kinh điển “Chắc bạn thắc mắc vì sao tôi ở trong hoàn cảnh này.” Công dụng bề nổi của nó là đẩy một cảnh hành động dữ dội lên đầu để gợi tò mò cho khán giả, rồi từ từ triển khai nền tảng câu chuyện. Công dụng cấu trúc của nó là đưa trước kết quả để người xem có cái mong đợi vì câu chuyện diễn biến không theo thói thường, không theo quy tắc “setup – payoff” truyền thống.
Câu chuyện sẽ không theo quy tắc “setup – payoff” sẽ có vấn đề sau: diễn biến của câu chuyện quá lắt léo, quá điên rồ, quá bùng nổ với quá nhiều tình tiết quá ngẫu nhiên làm cho khán giả chẳng hồi hộp và bất ngờ nổi, mà thay vào đó là hoang mang, khó theo dõi tiếp. “In media res” giải quyết vấn đề này. Khi đưa kết quả ra đầu, khán giả sẽ hình thành ý thức rằng: “À, mọi sự kiện này rồi cũng sẽ lái về lại được cái cảnh kia.” Nó giúp tiềm thức của khán giả chủ động kết nối các mạch truyện vốn dĩ rời rạc thành liền mạch, một sản phẩm của hiệu ứng Kuleshov, và giữ chân họ lại cho đến khi cảnh kia tái hiện trên màn ảnh.
Bộ tiểu thuyết Dune cũng dùng thủ pháp này với những đoạn trích ở đầu các chương truyện vốn được lấy trong cuốn sách thánh sẽ được viết ở tương lai. Những đoạn trích này đóng góp vào cấu trúc câu chuyện, chúng tạo ra tính liền mạch cho chuỗi sự kiện còn mông lung, phải còn rất xa, rất lâu Paul mới trở thành vị chúa giống như trong sách thánh viết. Tất cả nhờ vào việc người đọc hiểu rằng câu chuyện đang từng bước, dù chậm chạp, tiến về cái đích đến ở tương lai đó
Nolan đẩy tuyến 2 và tuyến 3 xuất hiện thật sớm để tạo ra tiềm thức này cho khán giả. Ta xem phim và hiểu rằng: “À, câu chuyện trái bom này chốc nữa sẽ dẫn đến câu chuyện thẩm vấn, và thẩm vấn chốc nữa sẽ dẫn đến điều trần.” Cho dù bộ phim có kéo dài, kéo căng khiến khán giả chờ đợi mòn mỏi, và thậm chí suýt thất bại, khán giả ít nhiều vẫn hiểu hiểu ý đồ của phim và không đặt mong đợi sai chỗ khiến trải nghiệm bị ảnh hưởng.
Thêm vào đó, bộ phim phải xử lý với một thực tế là chuỗi sự kiện của các tuyến cách biệt thời gian quá xa, và không có đủ sự kiện liên thông, liên mạch ở giữa để dễ dàng nối chúng lại. Tuyến 1 không trực tiếp tạo ra tuyến 2. Và tuyến 2 không trực tiếp tạo ra tuyến 3. Bản thân Oppenheimer lại còn chẳng xuất hiện trong đoạn cao trào của tuyến 3. Vậy nên để có thể giữ cho câu chuyện không bị đứt gãy, Nolan buộc phải lồng tuyến 2 và 3 xen kẽ vào tuyến 1, tạo thành một kết nối vô hình thông qua hiệu ứng Kuleshov và tương quan, tương phản giữa nội dung các trường đoạn, và tạo ra mạch cảm xúc cần thiết.
Như ví dụ này. Ở tuyến 1, có đoạn Oppenheimer đến một khách sạn cùng tình cũ Jean Tatlock. Trong cảnh này ta biết hơn về Jean Tatlock, cuộc đời cô vào thời điểm đó đang nhiều sóng gió, mối quan hệ với Oppie trở thành phao cứu sinh giúp cô ổn định được tinh thần. Oppie, dù sai khi ngoại tình, đã ở đó để giúp một người bạn vượt qua khó khăn. Ngay đó, bộ phim cắt sang tuyến 2. Cuộc gặp gỡ với Jean Tatlock giờ là bằng chứng vu cáo Oppenheimer qua lại với phe phản chính phủ. Ta khó mà chấp nhận nổi khi đã biết tiền căn hậu quả của cuộc gặp gỡ đó, hiểu được những cảm xúc, đớn đau chất chứa trong đó, rồi nhìn thấy nó bị dùng làm vũ khí để vu khống cho nhân vật mà ta đã đem lòng thương cảm. Đó là một ví dụ cho thấy Nolan đã chủ động lồng ghép ba tuyến truyện nhằm mục đích tạo ra những cảm xúc như thế. Rồi sau đó nữa, Nolan thể hiện khung cảnh trong phòng thẩm vấn đó qua góc nhìn của vợ Oppenheimer, bà Katherine. Kinh khủng vô cùng. Đó là cái tài của Nolan.
Một người kể câu chuyện lịch sử cần có một tài năng đặc biệt. Vì kể lịch sử không chỉ là khắc họa các sự kiện đã xảy ra, mà còn phải tìm cho bằng được mạch cảm xúc của nhân vật trung tâm. Nói trắng ra, trong các câu chuyện tiểu sử, lịch sử chỉ là nền, còn nhân vật mới là vua. Hoặc nói thế này, nếu câu chuyện lịch sử đó chỉ bằng một bản điện ảnh của bài viết wikipedia, thì người ta sẽ đọc wikipedia cho đỡ tốn tiền và thời gian. Vậy nên, hãy tìm thứ gì đó để kể mà người ta sẽ không hỏi được chị Google.
Ta có xem Bohemian Rhapsody và Rocket vì muốn tìm hiểu liệu rằng Queen và John Elton có trở thành siêu sao? Hỏi chị Google sẽ tiết kiệm được 2 tiếng xem phim và 1 triệu tiền bắp nước ở CGV. Thứ hai bộ phim này tập trung vào là những đớn đau và khắc khoải khi không biết mình là ai ở Freddie Mercury và khao khát được yêu đến lầm lạc ở John Elton. Âm nhạc, danh vọng rốt cuộc chỉ là nền, là công cụ để diễn đạt điểm nội tâm này của nhân vật. Và thật vậy, hai phim đều lướt qua chóng vánh tiến trình âm nhạc khi đem so với phim tài liệu, vì đó không phải là mục đích làm phim.
Hay như Catch Me If You Can và The Aviator đều do Leonardo DiCaprio thủ vai chính. Trong Catch Me If You Can, những trò lừa đảo của Frank Abagnale, hay việc ông có thoát tội không không thực sự là điểm mấu chốt, vì ta đều có thể đoán được Frank chắc chắn đã bị bắt. Cái nền tảng thực sự của câu chuyện này là ám ảnh địa vị, nỗi cô đơn và mối quan hệ lạ kỳ giữa Frank và viên thanh tra truy đuổi ông – Carl khi hai người họ dần tin tưởng và bảo bọc cho nhau. Trong The Aviator, nhất là ở thị trường Mỹ, mọi khán giả đều biết trước Howard Hughes đã thiết kế thành công chiếc máy bay khổng lồ Spruce Goose. Vì không có thành công của ông, ngành hàng không vẫn còn đang lẹt đẹt ở đâu đó. Biết vậy rồi ta xem cái gì? Ta xem cuộc đấu vật giữa Howard và chứng OCD và ám ảnh thành công, ám ảnh kiểm soát mọi thứ li ti trong cuộc đời mình của ông. Chiếc máy bay cho dù lớn đến đâu cũng chỉ là vật chứa cho câu chuyện nội tâm.
Oppenheimer cũng như vậy. Trái bom nguyên tử có thể bằng hàng trăm ngàn tấn thuốc nổ, nhưng sức nặng thực sự của nó trong câu chuyện chỉ xếp hạng ba, hạng tư mà thôi. Vậy nên ta chỉ xem trái bom thử nghiệm, và hai quả còn lại chỉ là công cụ thúc đẩy câu chuyện đi tiếp.
Vì sao nói như vậy? Thứ quan trọng nhất của câu chuyện sẽ là thứ xuất hiện ở cao trào. Cao trào là điểm nhân vật đối mặt thử thách đánh mình gục ngã cả về thể chất lẫn tinh thần và chiến thắng nó, nếu là cái kết đẹp. Hành trình tạo ra trái bom và bản thân nó không phải là thử thách đánh gục ngã Oppenheimer, nó đến rất tự nhiên, nó là lẽ tất yếu. Thứ khiến Oppenheimer phải lung lay, phải hoài nghi bản thân mình chính là phiên thẩm vấn. Trong căn phòng đó, nội tâm của ông suýt sụp đổ.
Oppenheimer có hai động lực nội tâm. Ở tuyến 1, đó là khát khao khoa học và phần nào là tìm kiếm, chứng tỏ bản thân. Vì nguồn sống của Oppie là khoa học, và chỉ có đạt thành tựu vĩ đại mới khỏa lấp được tâm hồn đó. Ở tuyến 2, đó lại là trách nhiệm của một nhà khoa học và nỗi kinh hoàng khi nhận ra được thảm họa sinh ra từ sáng chế mình. Nolan tập trung hơn cả vào động lực ở tuyến 2, và tuyến 1 trở thành phần tiền truyện trong cấu trúc của bộ phim này.
Toàn bộ quá trình tạo ra trái bom, với động lực 1 khá rõ ràng. Trái bom thử nghiệm nổ tung sa mạc, Oppenheimer nhìn nó như thể đang thấy chính mình thay Chúa khai sinh ra tạo hóa. Đây là điểm kết thúc cho tuyến 1 lẫn động lực 1 vì nó đã được thỏa mãn. Câu chuyện nhanh chóng chuyển tiếp khi Oppenheimer dần phải đối mặt với những hệ lụy của phát minh này. Ông hoang mang khi nghe thấy nơi Mỹ sẽ đánh bom ở Nhật Bản. Ông mắc chứng PTSD, mất ý thức khi nghe tiếng chân dồn dập, ông ảo giác cảnh tượng tàn tro khi đang đón nhận vinh quang. Và rồi ông thay đổi, ông tạo ra bom nguyên tử, nhưng ông mong muốn nó bị xóa bỏ. Ông đã đạt được thứ mình muốn, để rồi nhận ra đó không thực sự là thứ mình muốn, và chuyển biến tâm lý này thúc đẩy ông vào hành trình vận động chống lại chính phát minh của mình. Toàn bộ chuỗi diễn biến này mang đầy đủ đặc điểm của sự kiện khởi nguyên (inciting incident) trong cấu trúc ba hồi – nhân vật đối diện với chuỗi sự kiện buộc họ phải thay đổi. Nolan vừa khiến chúng ta không thể rời mắt khỏi một hồi một kéo dài gần hai tiếng đồng hồ!?
Sang tuyến 2, động lực là trách nhiệm của nhà khoa học sinh ra từ nỗi kinh hoàng khi nhận thức được sức mạnh hủy diệt của bom nguyên tử. Đó là khi ông nhận ra thứ vũ khí tưởng chừng dùng để cứu mạng những người lính, sẽ sớm bị dùng để giết chóc dân thường vô tội. Ông dẫn đầu cuộc vận động phản đối mở rộng kho vũ khí hạt nhân, rốt cuộc chỉ để nhận lại những nghi ngờ và hiềm khích từ giới chính trị hiếu chiến thời Chiến Tranh Lạnh. Đây chính là lúc các phản diện xuất hiện rầm rộ, đúng đặc trưng của hồi 2 đối đầu.
Thử thách lớn nhất trong tuyến 2 này chính là phiên thẩm vấn, một cuộc đánh úp nhằm hạ bệ ông. Chúng nhục mạ, buộc ông phải nhận tội gián điệp, phản quốc. Chúng lập mưu, tung đòn đánh gục ông. Theo cấu trúc câu chuyện đó chính là những thử thách mà nhân vật phải vượt qua để chứng tỏ niềm tin của mình. Trong căn phòng đó, ông đã chiến đấu với những hoài nghi, những tự vấn về mọi quyết định trong đời. Nếu chọn khác đi, có lẽ đời ông đã thảnh thơi hơn rất nhiều. Nếu ông bị khuất phục, ông sẽ mất tất cả, lẫn chính con người mình. Thứ duy nhất giữ vững tinh thần ông, chính là niềm tin đúng đắn vào tư tưởng phản đối hạt nhân. Nếu ông từ bỏ, công cuộc đó cũng sẽ mất đi ý chí, và thế giới có thể sẽ tan tành trong phóng xạ. Tuy thất bại trong trận đấu, không lấy lại được quyền an ninh, ông chiến thắng trong cuộc chiến, ông xác lập được niềm tin và con đường của mình là đúng đắn, và lan tỏa tinh thần, gây dựng được một cộng đồng khoa học biết nghĩ xa hơn thành quả, biết đắn đo đến những hệ quả lâu dài của các phát minh khủng khiếp.
Tuyến 2 mới là nơi ông thực sự chiến đấu, mới là nơi câu chuyện thực sự có ý nghĩa. Đó là lúc ông như muốn ngã gục, thậm chí đã thật sự ngã gục trước những đòn công kích hèn hạ của nhóm thẩm vấn. Kinh khủng nhất có lẽ là lúc những người cùng chiến tuyến xưa kia trở mặt. Nhưng cũng là lúc ông hồi sinh khi biết tư tưởng của mình được lan truyền, có được đồng minh. Nhờ vào đó mà ông vững tin mình đã đúng. Vậy nên, bộ phim chỉ tập trung vào trái thử nghiệm để thỏa mãn thành tựu của Oppie và kết lại hành trình đó. Bộ phim xem nhẹ hai trái Little Boy và Fat Man kinh hoàng đã được thả xuống Nhật Bản, cũng như cách cha đẻ của chúng muốn gạt dòng dõi đó khỏi thực tại, cũng như cách bộ phim muốn chúng ta đừng bao giờ coi trọng thứ sức mạnh hủy diệt đó. Bộ phim chỉ dùng chúng để đặt gánh nặng lên Oppenheimer. Cho nên ta chẳng cần xem chúng trực quan làm gì, vì bản thân Oppie muốn chối bỏ cảnh tượng đó. Cho nên ta chẳng cần xem chúng, vì theo một cách nào đó, chúng vốn không nên tồn tại. Quả bom chỉ là mồi lửa cho những biến động tư tưởng của Oppenheimer, không hơn.
Còn tuyến 3, đó chính là hồi ba, hồi kết để khép lại câu chuyện này, để ta hả hê thấy được kẻ chủ mưu bị hạ bệ. Oppie không xuất hiện nữa, vì ông đã hoàn thành hành trình của mình, tìm được bình an bên ngoài những đấu đá chính trường. Nhưng ở đoạn cuối này, ông vẫn hiện diện thông qua những người đã đứng lên chống lại Strauss, nhân danh ông, nhân danh lý tưởng của ông. Oppenheimer đã đúng.
Có rất nhiều thứ trong Oppenheimer để ta học, để ta ngấu nghiến và phát triển “phím” lực của mình. Nó có phần khó hiểu và rối rắm, và cần đến 3500 từ để phần nào giải thích cái nghệ thuật tài tình của nhà làm phim. Nhưng nghĩ về nó mở ra một thế giới kể chuyện mới, không phải là những chi tiết li ti khó nắm bắt, hay biểu tượng cao siêu, hay là chủ đề triết học đa phần người xem sẽ mù mờ, mà đó là thuần túy sử dụng cấu trúc để xử lý vấn đề và truyền tài một câu chuyện khổng lồ. Ở bề mặt, Oppenheimer là một bộ phim “bom tấn”, nhưng thực sự, nó là một bộ phim về sức nặng, gánh nặng của những quyết định, những ngã rẽ cuộc đời mà ta phải gánh vác.