Viết bằng trí tuệ nhân tạo: hệ quả của nhân tính thụt lùi
Viết, hay nói đúng hơn là diễn đạt suy nghĩ của mỗi người, là một hành động tạo ra ý tưởng nguyên bản từ chính trải nghiệm tư duy của mình. Viết đúng nghĩa, chưa bao giờ, và không nên là hành động sao chép, nhắc lại thứ người khác đã nói, đã làm.
Trí tuệ nhân tạo (A.I) không phải là một chứng bệnh của nghề viết, nó chỉ là một triệu chứng. Nó là biểu hiện của nhân tính thụt lùi, một xã hội lười tư duy sâu sắc, coi trọng việc “phải nói thứ gì đó” hơn là “có gì đó muốn nói”.
Từ vấn nạn văn mẫu
Từ lúc còn trên ghế nhà trường, học sinh Việt Nam đã quen với văn mẫu. Ở tiểu học là những đề văn gò ép học sinh như tả con chó, con mèo, người bà, người ông. Một dạng đề tưởng chừng đơn giản nhưng lại không đoái hoài gì đến đời sống thực tế ngoài xã hội, nhiều em buộc phải sử dụng văn mẫu. Ở trung học là những văn bản mà các học sinh với tuổi đời, với kinh nghiệm đọc, trải nghiệm sống chỉ chừng đó không tài nào hiểu nổi, buộc phải lệ thuộc vào các ý thầy cô giảng trên lớp và trong sách giáo viên. Thế là mỗi năm, mỗi cấp lớp sắm vai những nhà máy sản xuất hàng loạt tạo ra hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn bài văn giống hệt nhau như bao bì hộp sữa.
Đó là chỗ chết của chương trình cũ, của tư duy dạy văn cũ tập trung vào “phân tích chính xác” hơn là quan tâm đến “cảm nhận cá nhân” của học sinh. Thầy cô lên lớp cũng chỉ chú trọng truyền tải nội dung chương trình yêu cầu, đảm bảo các em chép đủ, có học bài để chuẩn bị cho bài kiểm tra, bài thi. Đến khi chấm bài thường là dò xem các em đã viết đủ ý chưa, có bám sát sườn bài mà toàn quốc đã thống nhất chưa, rồi cho điểm. Đó là một nền giáo dục trong lúc cố gắng truyền dạy hết năng lực văn chương, đã vô tình bóp chết đi khả năng tư duy độc lập của rất nhiều học sinh. Khi cảm nhân cá nhân, cái yêu thích, cái chê ghét của các em không được đoái hoài đến, tư duy của các em đã bị thui chột và nương tựa vào văn mẫu vì trường học buộc các em “phải nói thứ gì đó”, chứ không được tìm kiếm “thứ các em muốn nói.”
Tuy môn Ngữ văn đã có cải cách, với chương trình mới và cách ra đề chống học tủ, nhưng hệ lụy của hàng thập kỷ phụ thuộc văn mẫu vẫn còn nguyên ở đó, đang hiện hữu trong từng nội dung chúng ta đọc viết hằng ngày.
Muôn kiểu bắt chước để “sáng tạo”
Khi đi làm, không còn văn mẫu từ thầy cô hay sách giáo viên để chép theo, người ta tìm đến nơi khác.
Không khó để thấy các nội dung bắt chước trên TikTok. Những “nhà sáng tạo nội dung” thực hành sáng tạo bằng cách chôm chỉa ý tưởng, kiểu mẫu từ một người khác. Những tài khoản vũ công chỉ toàn những video bắt chước lại một điệu nhảy trending trên nền nhạc trending mà không hề có một bài nhảy nào của chính cá nhân họ sáng tạo.
Những video tiểu phẩm bê y hệt một video đã có bên Trung Quốc rồi diễn lại, và phần bình luận tràn ngập những câu như: “Đã bắt chước mà còn làm dở hơn,” nhưng rồi cũng đạt được hàng chục hàng trăm ngàn lượt thích, lượt xem đến hàng triệu.
Trên Facebook, đó là những fanpage đăng nội dung giống hệt nhau, giống đến mức ta nhận ra tất cả đều do một đơn vị chủ quản. Gọi mạng xã hội là thế giới của bắt chước và sao chép cũng không quá.
Hay hài độc thoại – một bộ môn biểu diễn đòi hỏi người trình diễn phải có những kiến giải rất riêng – vẫn có người bê y những miếng hài đã có trên mạng xã hội vào vở diễn. Và mới gần đây là mang hẳn nội dung A.I viết lên sân khấu.
Và nếu như không bắt chước hay sao chép, thì đó sẽ là nội dung từ nước ngoài được phiên dịch, và có khi bản dịch cũng là lấy từ nơi khác. Tất thảy, đều là biểu hiện của sức ép “phải đăng thứ gì đó”, chứ không phải là “có được một thứ giá trị để đăng”.
Mục tiêu của các nhà “sao chép” này là lượt xem, lượt thích, là độ lan tỏa bất kể giá trị chất xám lẫn chất lượng nội dung. Tư duy của họ không phải là tư duy mang tới nội dung có bất kỳ giá trị nào đó cho khán giả, ngoại trừ giải trí kiểu “úng não”. Miễn người ta cắm mắt vào xem là được. Và chúng ta tiêu thụ những nội dung này quá mức dễ dàng.
Rồi những bộ phim làm lại từ nước ngoài, những kiện cáo đạo nhái trong giới văn chương, biên kịch, thời trang, âm nhạc, hội hoạ. Những thứ vốn dĩ tượng trưng cho tâm hồn con người lại thiếu đi hoàn toàn nhân tính, cái “hồn riêng” của người sáng tác. Vì nếu đã có cái hồn riêng, người nghệ sĩ sẽ chẳng bao giờ mượn dùng chất liệu của người khác cái kiểu cướp giật như thế. Họ muốn viết nhưng lại chẳng có gì để viết, thay vì trau dồi bản thân để cái ý tưởng nảy mầm, nhưng vì sức ép “phải có gì đó”, họ sẵn lòng lấy của người khác đắp vào chỗ trống và mặt dày xem đó là sáng tạo của mình.
Hay vượt ra khỏi ngành sáng tạo, đi đến những lĩnh vực đời sống khác thì sao?
Một thứ lấy ra từ trong trái tim, như lời chúc, lời trên thiệp dành tặng người yêu thương, mà có người lại viết vào đó câu mà họ tìm trên Google chứ chẳng dành chút tâm ý nào. “Tấm thiệp có lời là đủ, cần gì vẽ vời.” Nhưng họ lại chẳng hiểu được một lời chúc đơn điệu lấy từ ruột gan còn ý nghĩa hơn ngàn câu ong bướm chôm chỉa từ đâu đó.
Những chiến lược kinh doanh, truyền thông quảng cáo na ná nhau. Khi đi đường hãy thử ngước nhìn hàng trăm biển quảng cáo bủa giăng đầy trời, nhưng tất cả chỉ đang nhai đi nhai lại vài chục từ ngữ cho đến khi chúng mất hết hương vị. Đã bao nhiều lần ta thấy “bứt phá”, “đẳng cấp”, “bản lĩnh”, “thăng hoa”. Thay vì là những thông điệp chạm đến người dùng, đây chỉ là vô vàn những khẩu hiệu vô nghĩa, dùng vần để che lấp đi nội dung hạn hẹp. Ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn, và giờ có cả ô nhiễm thị giác. Nói đúng hơn là rác thị giác, vì chẳng ai thèm ngó tới, rồi khi hết hạn, chúng sẽ được tháo xuống, quăng vào bãi rác, và một tấm biển khác được treo lên. Áp lực “phải làm truyền thông”, “phải treo cái gì đó lên” đã thải ra hàng đống chiến dịch vô hồn, thay vì những nội dung thật sự có ý nghĩa.
Sức ép đó không cho phép người ta có khoảng trống để suy nghĩ, để tạo ra giá trị thật sự. Và giờ đây nhiều giám đốc công ty bắt đội ngũ marketing sử dụng A.I tạo nội dung mạng xã hội. Người viết cần thời gian tư duy, chiêm nghiệm, cần có cảm hứng, cần rất nhiều thứ trước khi viết được thứ gì đó ra hồn. Vốn dĩ truyền thông là một công việc “người” như thế. Nhưng chủ doanh nghiệp có quan tâm nhân viên nghĩ gì bao giờ. Nhân viên chỉ là một phần của “bộ máy tổ chức” và mọi thứ đều là sản phẩm, là mặt hàng, quy đổi ra hiệu suất, chấm công, kpi. Chỉ cần có chữ là được, bất kể chữ đó là gì.
Cho nên ta mới có hàng trăm trang web “tối ưu SEO” nhưng đọc chỉ như một. Nội dung vô bổ, không chút chiều sâu làm nhiễu loạn thông tin, khiến các kiến thức thật sự bị vùi lấp.
Chúng ta đã đi vào một thế giới đói khát cần được lấp đầy liên tục, một thế giới buộc mọi người “phải nói thứ gì đó” thay vì hỏi “thứ nên nói là gì?”. Và thứ nguyên liệu ta dùng để nấu ra thức ăn cho nó chính là hồn người, là nhân tính.
Rốt cuộc viết là gì?
Chúng ta đã quen mượn, quen sao chép, quen sử dụng mẫu có sẵn. Tư duy lối mòn, khuôn sáo, không muốn thừa nhận mình thua kém. Cô cậu học sinh vì không muốn bị điểm thấp, nên tìm đến văn mẫu. Và nếu đã cái mẫu đó vốn đã rất tốt, được người người công nhận thì cớ gì ta lại không dùng để được điểm cao?
Nhưng viết không khó đến vậy. Lầm tưởng viết là phạm trù của nghệ thuật và những người viết cần bay bổng có lẽ đến từ chương trình giáo dục cũ quá mức tập trung vào các văn bản nghệ thuật. Yếu tố quan trọng nhất của viết là một thứ mà tất cả mọi người đều có: tư duy của chính mình.
Đó là sở thích, sở ghét, suy nghĩ về cuộc sống, trải nghiệm của mỗi người. Đó là tính người trong mỗi người chúng ta, của mỗi cá nhân. Nó là một thứ rất riêng mà không ai khác thay thế được chứ đừng nói một cỗ máy.
Người Việt có câu “Chín người mười ý.” Dù cho hai người có suy nghĩ tương đồng thì trong đó vẫn có những điểm chi li khác biệt, và khi đi vào các tình huống cụ thể hơn sẽ thấy được khác biệt rất rõ ràng. Nhân sinh muôn màu muôn vẻ, không ai giống nhau hoàn toàn. Vậy nên, “thứ ta muốn nói” sẽ không thể nào là bản sao với của người khác được. Vậy nên, việc sao chép đã là một hành động từ bỏ chính mình, đắp lên nhân dạng của người khác.
Viết, hay nói đúng hơn là diễn đạt suy nghĩ của mỗi người, là một hành động tạo ra ý tưởng nguyên bản từ chính trải nghiệm tư duy của mình. Viết đúng nghĩa, chưa bao giờ, và không nên là hành động sao chép, nhắc lại thứ người khác đã nói, đã làm.
Thêm nữa, viết là một hành động giao tiếp. Đó là khi ta ấp ủ một tâm tư rồi mới viết ra. Ít nhất là để chính bản thân mình đọc, như một cách giải bày. Rộng hơn, là để chia sẻ với người khác. Viết, là giao tiếp từ người tới người, từ tim tới tim, từ hồn tới hồn.
Vậy viết bằng A.I thì sao?
Bản chất của chuyện viết bằng A.I
A.I đang được dùng bổ trợ cho viết ngày nay vốn dĩ là một mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) với khả năng dự đoán ngôn ngữ. Tự nó không “tư duy” như cách con người tư duy. Từ vô số điểm dữ liệu, nó ‘tạo’ ra nội dung cho các câu trả lời bằng cách dự đoán tỉ lệ chính xác của trình tự sắp xếp câu từ. Tự A.I không có ý tưởng nguyên bản. Thứ nó nói, là thứ một người nào khác đã nói. Thay vì dùng Google để tìm văn mẫu, giờ người ta dùng A.I, thế thôi.
Với tư duy văn mẫu, và một công cụ có thể cào thông tin và tạo ra mẫu cớ gì ta không sử dụng? Vậy nên mới nói A.I chỉ là một triệu chứng cho một căn bệnh đã tồn tại từ lâu. Nó không phải là một hiện tượng mới, mà chỉ là diễn biến trở nặng của bệnh cũ. Ta ban cho nó cái tên “tạo sinh” chỉ để tự an ủi mình đã không còn ở cái thời tiểu học phải mếu máo khi không làm được bài tập làm văn thầy cô giao, rằng chép từ A.I tạo sinh vẫn hơn chép văn tả chó mèo từ sách văn mẫu.
Văn trong sách văn mẫu chưa bao giờ hay, cũng như thứ mà A.I viết ra chỉ là trung bình – yếu. Có người từng đưa chúng tôi đọc một đoạn văn A.I viết mà họ khen hay. Đọc xong, chúng tôi không còn một chút tôn trọng nào vào năng lực cảm thụ của người đó.
Như ông trời trêu ngươi, mỗi ngày Facebook đều quăng vào mặt chúng tôi một đống trang dạy xây kênh bằng A.I. Đọc sơ qua vài hướng dẫn, tôi nhận ra ngay một sự thật: những người này vốn chẳng có mảy may một thứ gì đáng để chia sẻ. Họ chỉ muốn kiếm tiền, và cách kiếm tiền của họ là tạo ra rác.
Viết bằng A.I chẳng phải là viết. Và chúng tôi sẽ có nhiều bài viết để nói rõ tư duy cần có của văn chương, để vạch rõ ranh giới giữa những kẻ nghèo nàn ý tưởng, cố lắm mới nghĩ được vài thứ lung tung nhưng tự cho mình là sáng tạo, với những người chân chính đang mỗi ngày mài giũa con chữ.
Chúng ta viết, vì chúng ta muốn diễn đạt điều gì đó trong lòng mình. Mỗi từ ngữ gửi đến người đọc nên là lời từ chính tác giả. Nếu chưa viết được, hãy thành thật với bản thân rằng mình “chưa biết viết gì” chứ không phải là “không biết viết thế nào”. Đó chỉ là lấp liếm cho cái thứ hời hợt và mỏng manh mà bạn đang tự phong là ý tưởng. Hãy trau dồi cho bản thân thật tốt, cho đến khi đủ chín muồi thì kiến giải sẽ tự hiển lộ từ trong tâm can. Đó mới là thứ đáng được chia sẻ, đó mới là thứ con người muốn được nghe. Đừng dựa vào A.I tạo sinh, vì đó là bạn đang tự loại bỏ chính mình.
Tri thư đạt lễ
Vui lòng không sao chép.