Tháng chạp cho cải hoa vàng,
Cho cam da đỏ, cho nàng vu quy.
(Nguyễn Bính)

Có bao giờ các bạn đi ngang một rạp cưới, nhìn vào biển treo phía trước để thoả trí tò mò: đây là nhà trai – nay đón nàng dâu mới, hay là đây nhà gái – nay gả con lấy chồng không?

Dấu hiệu nhận biết thật đơn giản: Nhà trai treo biển ‘thành hôn’ hoặc ‘tân hôn’, còn nhà gái treo biển ‘vu quy’.

Vì sao lại treo biển ‘vu quy’ nhỉ?

Trong Kinh Thi (một trong Ngũ kinh của Nho giáo), có bài thơ Đào yêu số 1, như thế này:

Đào chi yêu yêu
Chước chước kỳ hoa
Chi tử vu quy
Nghi kỳ thất gia

Dịch nghĩa:

Cây đào xinh tươi
Hoa nhiều rậm rạp
Nàng ấy lấy chồng
Hoà thuận cửa nhà

Bài thơ này, cũng như một vài bài thơ cổ khác trong Kinh Thi có dùng từ ‘vu quy’, nghĩa là “đi về nhà chồng”.

Từ thuở xa xưa ấy đến tận ngày nay, nghĩa của từ vẫn không thay đổi và vẫn còn được dùng trong văn chương, nghi lễ.

Ảnh: Bài thơ Đào yêu, chữ viết tay của bạn M.Như.

Bài viết được Tri Thư Đạt Lễ – 知書達禮 biên soạn, vui lòng không sao chép và đăng lại.