Nhất ngôn cửu đỉnh
Nhất ngôn cửu đỉnh có xuất xứ từ một điển tích thời Chiến quốc, ý chỉ lời nói rất có trọng lượng, rất có giá trị
Cửu đỉnh 九鼎 tức chín cái vạc.
Theo truyền thuyết thì sau khi Hạ Vũ chia thiên hạ thành chín châu (cửu châu), lấy đồng của các châu đúc thành chín cái vạc (cửu đỉnh), khắc tinh hoa phong cảnh của chín châu vào Cửu Đỉnh, mỗi Đỉnh tượng trưng cho một châu, toàn bộ cất giữ tại kinh đô nhà Hạ. Vì thế, Cửu Đỉnh trở thành biểu trưng cho quyền uy của chính quyền phong kiến và sự thống nhất quốc gia.
Từ đời nhà Hạ, đến nhà Thương rồi nhà Chu, các vua truyền nhau Cửu Đỉnh đem về để ở kinh đô nước mình, xem như quốc bảo và vật tượng trưng cho quyền uy, từ đó có câu nói “Có được Cửu Đỉnh là có được thiên hạ”.
Nhất ngôn cửu đỉnh có xuất xứ từ một điển tích thời Chiến quốc, ý chỉ lời nói rất có trọng lượng, rất có giá trị
Chuyện như thế này, thời Chiến Quốc, Tần muốn đánh Hàm Đan của nước Triệu. Triệu muốn cầu viện Sở, muốn cùng Sở liên minh để đánh Tần, tướng quốc Bình Nguyên Quân bèn tuyển 20 môn khách cùng đi.
Đến nơi, nói cả ngày, nói đến khô cả cổ mà vua Sở vẫn không suy chuyển. Lúc đó một môn khách tên là Mao Toại mới rút kiếm ra, phân tích tình thế, nói năng hùng hồn, ngôn từ sắc bén. Vua Sở mới đồng ý thoả thuận.
Tướng quốc Bình Nguyên Quân mới khen Mao Toại đại ý “nhất ngôn cửu đỉnh”.
–
Cửu đỉnh không chỉ nặng về ý nghĩa tượng trưng cho thiên hạ, mà còn thật sự nặng theo nghĩa đen.
Theo Sử kí Tư Mã Thiên, thì chỉ xét riêng về sức khỏe và thể lực, Tần Vũ Vương Doanh Đảng, vị quân chủ thứ 32 của nước Tần – thời còn là chư hầu nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc, xứng đáng xếp hạng nhất.
Theo mô tả (có phần ước lệ) của Sử kí Tư Mã Thiên, ông ta cao gần 9 thước (tầm khoảng 2m ngày nay), dùng một tay nâng vật nặng 100 cân, lên xuống 50 lần mà mặt không đổi sắc.
Tần Vũ Vương từng cho quân đánh vào thành Lạc Dương của nhà Chu, vua nhà Chu lúc đó sợ hãi phải ra tiếp chuyện. Trong cuộc nói chuyện với vua nhà Chu, Vũ Vương yêu cầu được xem hết Cửu đỉnh và quyết định chọn Đỉnh Ung để mang về nước, một hành động khẳng định quyền lực vượt trội của nước Tần, giờ đã không còn cam phận chư hầu nhà Chu nữa.
Cậy khỏe nên Tần Vũ Vương đã đưa ra lời thách đấu với lực sĩ Mạnh Thuyết, thi xem ai nâng được cái đỉnh (Đỉnh Ung) này cao hơn. Mạnh Thuyết thi trước nhưng không thể nhấc hết cả 3 chân đỉnh lên.
Tới lượt của Vũ Vương, đúng là không hổ danh vị vua sức khỏe vô địch, ông đã nâng được đỉnh lên cao khoảng 2 gang tay so với mặt đất. Nếu như nâng thành công rồi mà đặt xuống ngay thì đã không xảy ra chuyện lớn. Đằng này, Vũ Vương trong tiếng hò reo cổ vũ của bày tôi, lại cố giữ đỉnh lâu, đến nỗi quá sức, bị đỉnh rơi vào chân, gãy luôn xương bánh chè.
Sau đó, vì vết thương quá nặng mà ông đã qua đời lúc mới 23 tuổi, ở ngôi được 4 năm.
Để kể thêm một chuyện khác, để biết cửu đỉnh nặng chừng nào, dù chỉ là ước lệ.
Đó là cuối thời Đông Chu, Tần đem quân đánh vào cung đòi vua nhà Chu giao cửu đỉnh, vua nhà Chu mới sai Nhan Suất đi nhờ quân nước Tề cứu viện, đổi lại đồng ý giao cửu đỉnh cho nước Tề.
Sau khi nước Tề đánh tan quân Tần, Tề vương mới định đem cửu đỉnh về nước, mới hỏi Nhan Suất chuyển như thế nào.
Nhan Suất bèn nói trước kia sau khi vua nhà Chu đánh thắng vua Trụ, giành được Cửu đỉnh, để vận chuyển một đỉnh thì cần dùng chín vạn người, chín đỉnh tổng cộng là 81 vạn người, cho dù Tề vương có nhiều người như vậy, thì cũng không có con đường nào có thể vận chuyển về nước Tề. Cuối cùng Tề vương đành phải bỏ cuộc, cũng không nhắc đến chuyện vận chuyển cửu đỉnh nữa.
Việt Nam có cửu đỉnh không?
Câu trả lời là có. Cụ thể là vua Minh Mạng triều Nguyễn đã ra lệnh đúc cửu đỉnh, trong vòng 2 năm đã hoàn thành và đặt ở sân Thế miếu trong Hoàng thành Huế, đến nay vẫn còn nguyên vẹn.
Cửu Đỉnh gồm chín cái đỉnh đồng, mỗi đỉnh có một tên riêng ứng với một thuỵ hiệu của mỗi vị hoàng đế triều Nguyễn. Trên mỗi đỉnh, người ta đều chạm khắc 17 bức họa tiết và 1 bức họa thư, gồm các chủ đề về vũ trụ, núi sông, chim thú, sản vật, vũ khí… tập hợp thành bức tranh toàn cảnh của đất nước Việt Nam thống nhất thời Nhà Nguyễn.
Thông qua cửu đỉnh, vua Minh Mạng thể hiện ước muốn trường tồn của quốc gia Đại Nam và uy quyền của triều Nguyễn mãi vững bền đến nhiều đời con cháu ông sau này. Nhưng chỉ đến đời Bảo Đại – người cháu 6 đời của Minh Mạng, Nhà Nguyễn đã chính thức sụp đổ. Chính vì thế mà vẫn còn 2 cái đỉnh chưa được đặt tên riêng.
—
Cửu đỉnh tại Đại Nội (Huế). Ảnh: Hình ảnh Việt Nam